| Liên hệ |
Triển vọng xuất nhập khẩu 2014 (2014-04-09 14:48:53)

Mặc dù vẫn phải đối mặt với những biến động của tình hình khu vực và thế giới, nhưng với sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu, cùng với các nhóm giải pháp của Chính phủ, được dự báo sẽ mang lại tác động tích cực tới nền kinh tế VN năm 2014, trong đó có hoạt động xuất nhập khẩu. Tuy nhiên để đạt được mục tiêu này, chúng ta cần có những giải pháp cắt giảm chi phí logistics.

TRIỂN VỌNG XUẤT KHẨU

Nghiên cứu của các tổ chức thế giới chỉ ra rằng, nhiều nước ASEAN, trong đó có VN, phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu nên trong giai đoạn 2008-2011, nền kinh tế khu vực bị ảnh hưởng do cầu hàng hóa từ các nước Mỹ, châu Âu suy giảm. Song, sự phục hồi của các nền kinh tế phát triển như Mỹ, Nhật, châu Âu; sự ổn định của các nước mới nổi và ngân hàng trung ương các nước tiếp tục các chính sách kích thích kinh tế sẽ giúp nền kinh tế thế giới năm 2014, sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 3,5%, cao hơn 0,6% so với năm 2013. Bên cạnh đó việc chuyển hướng thúc đẩy nhu cầu nội địa, tăng trưởng của khu vực đã từng bước ổn định. Điều này, dự kiến sẽ mang lại những thuận lợi cho kinh tế VN trong năm 2014.

Với những tác động như trên, dự báo nền kinh tế của VN sẽ có nhiều triển vọng dựa trên sự tăng trưởng về xuất khẩu, thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài FDI, các nguồn hỗ trợ ODA và tăng nguồn kiều hối. Cụ thể như việc gia nhập TPP sẽ tạo cơ hội lớn cho xuất khẩu của VN sang thị trường các nước có tham gia. Hàng hóa của VN sẽ có lợi thế so với hàng các nước khác như Trung Quốc, Thái Lan,… khi chịu mức thuế suất thấp hơn. Cùng với việc VN cải thiện môi trường kinh doanh cũng là một điều kiện thu hút FDI, nhất là từ Nhật Bản.

Tuy nhiên VN cũng phải đề phòng những cú sốc từ bên ngoài có thể tác động tới giá cả trong nước, chẳng hạn những biến động hết sức khó lường do tình trạng căng thẳng tại khu vực Trung Đông, Đông Á. Hay việc tham gia TPP cũng tạo ra áp lực cho VN khi ngành công nghiệp phụ trợ, chế biến chưa phát triển. Thêm vào đó sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế Trung Quốc và việc điều chỉnh chính sách, mô hình tăng trưởng của các nước mới nổi, với xu hướng thúc đẩy tiêu dùng nội địa, khiến nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ VN có thể giảm.

Theo các chuyên gia, mục tiêu xuất khẩu năm 2014 tăng 10% hoàn toàn có thể đạt được bởi 4 yếu tố sau. Thứ nhất, các chính sách hỗ trợ, khuyến khích xuất khẩu ngày càng được hoàn thiện theo hướng tích cực; Thứ hai, phần lớn các mặt hàng xuất khẩu của VN vẫn thuộc hàng tiêu dùng, nguyên phụ liệu thiết yếu do vậy ít thuộc diện cắt giảm tại các thị trường chủ chốt, đặc biệt là thị trường Mỹ, EU…; Thứ ba, nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của VN như điện tử - máy tính - linh kiện và dệt may - giày dép vẫn còn rất tiềm năng. Nhiều doanh nghiệp dệt may, dày dép đã nhận được đơn hàng quý 1 và quý 2.2014; Thứ tư, VN tham gia các Hiệp định hợp tác TTP, Cộng đồng kinh tế ASEAN - AEC và hiệp định song phương với nhiều nước sẽ mở ra cơ hội mới cho hoạt động xuất khẩu. Dự kiến kim ngạch xuất khẩu năm 2014 sẽ tăng trưởng 13-14% và đạt mức 148-150 tỷ USD.

Về nhập khẩu, dự kiến nhập khẩu trong năm 2014 chưa thể lấy lại đà tăng trưởng như năm 2010-2011, kim ngạch nhập khẩu sẽ trong khoảng 150-153 tỷ USD và cán cân thương mại sẽ chỉ thâm hụt nhẹ trong khoảng 2-3 tỷ USD (tương đương gần 2% giá trị xuất khẩu, thấp hơn mục tiêu 6% giá trị xuất khẩu mà Quốc hội giao). 

GIẢM CHI PHÍ LOGISTICS

Trở ngại lớn nhất của VN hiện nay trong việc hỗ trợ xuất nhập khẩu chính là yếu tố logistics. Chính chi phí logistics quá cao là nguyên nhân giảm năng lực cạnh tranh của DN.

Nhiều báo cáo gần đây cho thấy, mô hình tăng trưởng của nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam là dựa vào xuất khẩu, tăng tỷ lệ tiết kiệm và tăng trưởng GDP bền vững. Sự tăng trưởng GDP cao luôn đi kèm với sự đột biến trong xuất khẩu, đơn cử như trường hợp của Hồng Kông, Singapore, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan và Trung Quốc. Ở VN, trong hai thập kỷ qua, tốc độ tăng trưởng GDP trung bình là 7,5%, trong khi tăng trưởng xuất khẩu ở mức trung bình hàng năm là 20% trong cùng thời kỳ.

Theo các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, tăng trưởng xuất khẩu ở VN là nhờ việc loại bỏ các rào cản thương mại (thuế quan và phi thuế quan) trong suốt thời kỳ cải cách. Lợi thế so sánh của VN là chi phí nhân công thấp. Thêm vào đó, các đối tác kinh doanh hiện tại và tiềm năng đã cho phép VN tiếp cận nhiều hơn với thị trường của họ với ít trở ngại hơn.

Tuy nhiên, với xu hướng hiện nay, đây không phải là lợi thế trong tương lai do chi phí lao động suy giảm, năng suất lao động chậm cải tiến, mặc dù các rào cản thông thường tiếp tục được duy trì. Mặt khác hàng xuất khẩu của VN vẫn là các sản phẩm có công nghệ thấp, ít giá trị gia tăng. Kể cả sản phẩm công nghiệp xuất khẩu cũng có hàm lượng nguyên phụ liệu nhập khẩu khá cao. Quan trọng hơn cả là xuất nhập khẩu đều có sự tập trung về khoảng cách địa lý.

Do vậy để nâng cao năng lực cạnh tranh thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu thì VN cần chú trọng đến cả hạ tầng cứng và mềm. Cụ thể như đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông bao gồm đường xá, cảng hàng không, cảng biển thủy và phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật. Cải tiến cơ chế chính sách cho phù hợp với xu thế hội nhập. Đơn giản hóa thủ tục hành chính (logistics, hải quan, thuế, bảo hiểm, thanh toán...), đào tạo nhân lực, cùng nhiều yếu tố khác. Mục đích cuối cùng là giảm các tác động xấu đến khả năng xuất khẩu, thông qua việc cắt giảm chi phí sản xuất hàng hóa xuất khẩu. Trong đó các chi phí logistics thương mại liên quan đến hàng loạt lĩnh vực như vận tải, kho bãi, xếp dỡ, khai thuê hải quan, bảo hiểm... là quan trọng nhất. Bởi chi phí llogistics, có tác động đến thương mại tương tự như thuế quan.

Chúng ta đều biết, hiệu quả của logistics, đặc biệt tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp trong việc sản xuất, phân phối, bán lẻ sản phẩm hàng hóa không tính đến khoảng cách địa lý và thời gian. Vì vậy cắt giảm các chi phí này nên là một ưu tiên để tăng cường khả năng cạnh tranh thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu. 

Nguyên Vũ


Address: 550 Crossroads, Binh Hoa Village, Thuan An District, Binh Duong Province
Tel: (+84) 0274-3766800, Fax: 0274-3766802, Email: contact@solog.vn