| Liên hệ |
Việt Nam chưa sẵn sàng tham gia thị trường AEC? (2014-07-20 23:58:51)

Các chuyên gia cho rằng do trọng tâm kinh tế thế giới đang từng bước dịch chuyển từ Tây sang Đông, châu Á sẽ là trung tâm của thế giới với tốc độ tăng trưởng nhanh so với các khu vực khác. Vì vậy khu vực Đông Nam Á sẽ phát huy vai trò chiến lược quan trọng hơn trong vài thập kỷ tới.

Nhận thức được tầm quan trọng của sự kết nối, để tạo ra một sức mạnh tổng thể ở tầm khu vực, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á đã nhất trí thiết lập một nền kinh tế chung vào năm 2015 - gọi tắt là AEC, trong khuôn khổ AEC có 12 chủ đề trọng điểm được ưu tiên đẩy nhanh liên kết, trong đó có logistics. Từ đó hàng hóa, dịch vụ, vốn đầu tư, nhân lực được lưu chuyển tự do thông qua thị trường chung ASEAN.

Trong bối cảnh thị trường logistics VN vừa mở cửa hoàn toàn vào giữa tháng 1.2014, và dự kiến đi vào hoạt động chính thức vào năm 2015. Ngành vận tải biển các nước ASEAN được nhận định đang nổi lên trở thành sự kiện nóng trong khu vực. Những cơ hội cũng như thách thức mới đã mở ra cho các DN dịch vụ logistics. Trong đó vấn đề về thị trường thống nhất vận tải biển các quốc gia ASEAN vào năm 2015 được đặt ra làm mục tiêu chiến lược.

NHỮNG CƠ HỘI

Khi thị trường chung ra đời, đầu tiên là cơ hội được hoạt động trong môi trường kinh doanh lớn hơn, các mối liên kết, liên doanh hợp tác của các DN rộng hơn. Góp phần giảm chi phí vận tải biển, cảng biển. Cơ hội tự do hóa thị trường logistics, tạo điều kiện cho DN Việt tiến sâu và rộng vào khu vực.

Theo ông Đỗ Xuân Quang, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ logistics Việt Nam (VLA): Theo lộ trình thống nhất khối ASEAN vào năm 2015, trong đó có vận tải biển thì một nền kinh tế chung sẽ mở ra kèm theo rất nhiều cơ hội cho các DNVN”.

Hiện nay, theo lộ trình hội nhập WTO, đầu năm 2014 chúng ta đã mở cửa thị trường dịch vụ logistics trong đó có dịch vụ vận tải. Cơ hội cho các chủ hàng, và nhà giao nhận vận tải VN khi gia nhập thị trường chung, nhất là vận tải biển sẽ có được chi phí thấp hơn, và chất lượng dịch vụ cao hơn. Khách hàng sử dụng dịch vụ có nhiều lựa chọn hơn tạo nên một môi trường cạnh tranh sôi động. Cơ hội để VN nâng cao vị thế cạnh tranh của mình trên thị trường thế giới khi tất cả các chi phí dịch vụ đều giảm. Ngoài ra, tạo điều kiện thuận lợi cho luồng đầu tư nước ngoài vào VN.

NHỮNG THÁCH THỨC

Bên cạnh những cơ hội thì những thách thức không nhỏ cũng được quan tâm, và cần được giải quyết. Khi thị trường chung vận tải biển khối ASEAN hoạt động thì các nhà nghiên cứu quan ngại những vấn đề mà VN gặp phải là tính chọn lọc, loại trừ lẫn nhau giữa các DN. Khi đó, các DN hoạt động kém chất lượng sẽ bị loại trừ khỏi cuộc chơi đòi hỏi sự khắt khe về chất lượng này. Cũng từ đó, lợi nhuận mà trước giờ các công ty hoạt động ở tầm trung bình có thể tồn tại, thì nay sẽ bị các công ty lớn cạnh tranh khốc liệt do tiềm năng và nội lực phát triển mạnh. Và hầu hết các công ty vận tải hoạt động nội địa cũng sẽ gặp không ít khó khăn do khi mở cửa hoàn toàn, các hãng tàu nước ngoài cũng sẽ được phép hoạt động trong lĩnh vực này.

Ngoài ra các khó khăn còn nằm ở những khác biệt rất lớn trong khả năng vận tải tàu biển của từng quốc gia, do phát triển không đồng đều. Sự chênh lệch về cơ sở hạ tầng cảng, thể chế tổ chức quản lý,… Hơn nữa, sự khác biệt giữa các chính sách, quy định của nhà nước giữa các quốc gia trong ASEAN cũng là một thách thức không nhỏ trong môi trường hoạt động chung của vận tải.

CHƯA SẴN SÀNG CHO THỊ TRƯỜNG CHUNG

Mặc dù các cơ hội được nhận định đầy tiềm năng khi thống nhất vận tải biển khối ASEAN, nhưng trên thực tế chủ đề này chưa được bàn luận nhiều, cũng như chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho các DN trong ngành logistics. Các chuyên gia cũng cho rằng VN chưa sẵn sàng tham gia thị trường này, do đa phần các DN vận tải biển của VN nằm ở quy mô vừa và nhỏ, trong khi sự cạnh tranh trong môi trường mới rất quyết liệt gây ra sự tự đào thải là khó tránh khỏi. Cùng với nhiều vấn đề khác như nguồn nhân lực còn yếu và thiếu, hạ tầng khai thác cảng cũng gặp không ít trở ngại. Chưa kể nguy cơ thua ngay trên sân nhà khi các DN nước ngoài được hoạt động tự do giữa các nước trong khu vực.

Giáo sư Jose L.Tongzon – Trưởng khoa logistics Đại học Inha Hàn Quốc cho biết ý kiến: “Vấn đề trước mắt mà các DN vừa và nhỏ của Việt Nam cần phải làm là giảm chi phí và nâng cao chất lượng dịch vụ để tăng sức cạnh tranh trước những DN lớn, đồng thời các DN vận tải biển nên chú trọng việc hợp tác giữa các cảng, DN vận tải đường bộ, kho vận… tạo thành một chuỗi nhằm giảm chi phí dịch vụ xuống thấp hơn…”.

Mỹ Duyên


Address: 550 Crossroads, Binh Hoa Village, Thuan An District, Binh Duong Province
Tel: (+84) 0274-3766800, Fax: 0274-3766802, Email: contact@solog.vn