| Liên hệ |
Nhân lực - vấn đề mấu chốt phát triển logistics Việt Nam 03/05/2014 - 9:29:44 (2014-05-10 16:53:12)

Ngày 22.01.2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển dịch vụ Logistics trong lĩnh vực giao thông vận tải đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong các giải pháp, có vấn đề đào tạo nguồn nhân lực. Thực tế, nguồn nhân lực đang là “điểm nghẽn” để phát triển logistics VN. Ông Nguyễn Công Bằng, Phó vụ trưởng Vụ Vận tải – Bộ Giao thông vận tải (GTVT), một trong những chuyên gia trên lĩnh vực này đã trao đổi thêm với Tạp chí Vietnam Logistics Review.

 NHÂN LỰC LOGISTICS ĐANG YẾU KÉM “TOÀN DIỆN”

- Có ý kiến rằng, VN đang có khoảng 6.000 nhân viên đang làm việc trong lĩnh vực logistics, tuy vậy những người có kinh nghiệm và hiểu biết về luật pháp quốc tế còn thiếu nhiều? Ông đánh giá như thế nào về thực trạng này?

Thực tế là hiện nay, số lượng các công ty hoạt động trong lĩnh vực logistics VN và số lượng người làm việc trong lĩnh vực này cũng đang có nhiều số liệu khác nhau. Đại đa số các DNVN hiện nay quy mô còn nhỏ, năng lực hạn chế nên các doanh nghiệp chủ yếu cung cấp dịch vụ một cách đơn lẻ, mang tính bán chuyên nghiệp, chỉ đáp ứng được khoảng 20 đến 25% nhu cầu. Kèm theo đó đương nhiên nguồn nhân lực hiện tại cũng chỉ đáp ứng theo quy mô của DN và việc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành này cũng chưa được chú trọng.

Theo kết quả điều tra của Viện Nghiên cứu và Phát triển của trường Đại học Kinh tế Quốc dân, hiện nay có tới 80,26% nhân lực trong các công ty logistics được đào tạo thông qua các công việc hàng ngày; 23,6% lao động tham gia các khóa đào tạo trong nước, 6,9% thuê các chuyên gia nước ngoài đào tạo và  tham gia các khóa đào tạo ở nước ngoài là 3,9%.

- Có nghĩa là chúng ta đang thiếu “bài bản”?

Khi nói đến logistics, chúng ta đang nói đến về sự vận chuyển luồng hàng hóa bao gồm cả ngoại thương, tài chính, luật, vận tải, CNTT và hàng loạt các dịch vụ có liên quan. Đáng tiếc, tại VN, logistics vẫn chưa được đào tạo chuyên sâu tại các trường đại học về tài chính, ngoại thương, luật hay kinh tế.

Hiện mới chỉ có Đại học GTVT TP.HCM là có ngành logistics và vận tải đa phương thức bắt đầu chiêu sinh được năm thứ 2, trường Đại học Hàng hải VN mới chỉ thành lập bước đầu là Trung tâm logistics và Bộ môn logistics thuộc khoa kinh tế vận tải biển.

Với việc đào tạo như hiện tại cho toàn bộ một chuỗi kinh doanh tương đối phức tạp như logistics thì quả là khó khăn quá lớn cho thầy cô truyền đạt đầy đủ lượng kiến thức cho sinh viên.

Nhân lực logistics VN hiện nay chủ yếu được lấy từ các đại lý hãng tàu, các công ty giao nhận vận tải biển và sử dụng theo khả năng hiện có. Vì vậy, nguồn nhân lực có hiểu biết cơ bản về logistics đã khó, chuyên sâu về ngành này có thể nói là rất khan hiếm.

Từ kinh nghiệm của các nước có ngành logistics phát triển, để phát triển bền vững, ngoài các nghiệp vụ chuyên môn, đội ngũ nhân viên phải có hiểu biết về pháp luật quốc tế, pháp luật quốc gia và có trình độ về CNTT, ngoại ngữ.

Trước thực trạng trên, việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cung cấp cho ngành logistics mang tính cấp thiết và cần được đẩy mạnh.

NHÂN LỰC LOGISTICS CẦN MỘT CHIẾN LƯỢC RIÊNG

Ngày 22.01.2014, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 169/QĐ-TTg, ngày 22/01/2014 phê duyệt Đề án phát triển dịch vụ logistics trong lĩnh vực GTVT VN đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo ông, riêng trong lĩnh vực đào tạo nhân lực hiện nay chúng ta phải làm gì để triển khai nhiệm vụ Thủ tướng giao?

Chúng ta còn phải làm rất nhiều việc, từ việc xây dựng đội ngũ giáo viên giảng dạy đến giáo trình đào tạo. Hiện nay môn học logistics (hoặc liên quan đến logistics) chủ yếu đào tạo thiên về vận tải biển và giao nhận đường biển mà chưa chú trọng tới sự phát triển của ngành vận tải khác, các kỹ thuật giao nhận hiện đại như vận tải đa phương thức, kỹ năng quản trị chuỗi cung ứng...

Những nhân tố cần cho ngành logistics đó là trang thiết bị, thủ tục, công nghệ IT, luật lệ và nhân sự (hay còn gọi là phần cứng). Chỉ khi nào nguồn nhân lực được trang bị đầy đủ kiến thức nền tảng, có hệ thống, theo chuẩn nghề quốc tế trong ngành logistics thì nguồn nhân lực lúc này mới được xem là “phần mềm” của ngành; một điều kiện đủ để tạo sức bật, phát triển bền vững. Và đây chính là nhân tố đang thiếu hụt trầm trọng.

- VN đang đối diện với thực trạng bất hợp lý là sinh viên ra trường thất nghiệp, các DN lại thiếu nhân lực, liệu sinh viên logistics có ngoại lệ?

Đúng là chúng ta đang gặp nhiều “nút thắt” và nghịch lý”. Thêm một nghịch lý nữa là khi sinh viên muốn nâng cao kiến thức của bản thân bằng cách tự thân vận động ra nước ngoài du học, mang những kiến thức đó về áp dụng tại VN, thì dây chuyền hoạt động tại VN lại chưa đồng bộ với chuỗi quy trình mà sinh viên được học ở nước ngoài. Đây là thực trạng chung, trong đó có ngành logistics.

Để đáp ứng được nguồn nhân lực cho ngành logistics trong giai đoạn hiện nay, trước mắt cần phải tận dụng nguồn nhân lực sẵn có, kết hợp với công tác đào tạo, đào tạo lại đối với nguồn nhân lực.

Về lâu dài, VN cần phải mở rộng ngành học logistics tại các trường đại học như luật, tài chính, ngoại thương,..; đồng thời, dần từng bước thành lập các trường, các cơ sở đào tạo chuyên ngành logistics. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền, tiếp cận, tư vấn cho học sinh lựa chọn ngành logistics khi đăng ký dự thi đại học cũng đóng vai trò quan trọng. Thực tế đây là ngành rất có triển vọng và thu nhập cao, nhưng nhiều học sinh và phụ huynh hiện không có thông tin về lĩnh vực này.

Về đào tạo nhân lực cho logistics, theo tôi cần phải có chiến lược riêng.

ĐẨY MẠNH HỢP TÁC QUỐC TẾ VỀ ĐÀO TẠO

- Hợp tác quốc tế có ý nghĩa như thế nào?

Chúng ta đi sau thế giới rất nhiều. Do vậy, cần có sự hợp tác quốc tế về đào tạo, xây dựng chương trình đào tạo, giáo trình… Chính vì thế trong Đề án phát triển dịch vụ Logistics trong lĩnh vực GTVT VN đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 vừa được Thủ tướng phê duyệt, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực được gắn với hợp tác quốc tế. Và câu chuyện này, không riêng Bộ GTVT mà các Bộ Công Thương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương phải vào cuộc, phối hợp để thực hiện.

- Thời gian qua Bộ GTVT đã và đang phối hợp với các đối tác nước ngoài tổ chức các khóa huấn luyện nâng cao trình độ nhân lực cho các DN logistics VN. Ông có thể nói rõ hơn về chương trình này?

Trong khuôn khổ nghiên cứu “Hỗ trợ kỹ thuật về vận tải đa phương thức cho Bộ GTVT”, một nội dung rất quan trọng trong Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng GTVT Đồng bằng sông Cửu Long (Dự án WB5), việc nghiên cứu và đưa ra kết quả của hợp phần này nhằm tăng cường thể chế hỗ trợ Bộ GTVT trong việc phát triển các chính sách và biện pháp can thiệp để cải thiện vận tải nói chung, vận tải đa phương thức và logistics nói riêng ở VN trong đó có việc đào tạo nguồn nhân lực.

Đến nay, Bộ GTVT đã phối hợp với WB, tư vấn (Tập đoàn ALG - Tây Ban Nha) tổ chức thành công 6 khóa đào tạo tại Hà Nội, TP.HCM, Nghệ An và Bà Rịa - Vũng Tàu về vận tải đa phương thức, logistics và cảng cho các đơn vị Bộ, ngành, các cục chuyên ngành thuộc Bộ và DN.

Các khóa học trên đã góp phần nâng cao nhận thức về loại hình kinh doanh hiện đại này; đồng thời tạo ra cơ hội cho các DN trao đổi kinh nghiệm, hiểu biết lẫn nhau; trao đổi, đề xuất về thực tiễn hoạt động kinh doanh với cơ quan nhà nước để góp phần xây dựng các chính sách của nhà nước được rõ ràng, minh bạch. Các học viên từ các khóa học này được tiếp cận với những tài liệu, kinh nghiệm thực tiễn trên thế giới, qua đó khi về cơ quan đơn vị mình có thể tiếp tục truyền đạt cho các thành viên khác của cơ quan đơn vị mình.

Từ Tâm


Address: 550 Crossroads, Binh Hoa Village, Thuan An District, Binh Duong Province
Tel: (+84) 0274-3766800, Fax: 0274-3766802, Email: contact@solog.vn