| Liên hệ |
Cơ hội nào cho logistics? (2014-05-21 23:28:56)

Theo báo cáo về ngành logistics tại VN của Ngân hàng Thế giới vào tháng 1.2014, các điều luật liên quan tới ngành hiện nay còn phức tạp khó hiểu do thiếu sự rõ ràng, gây khó khăn cho sự cạnh tranh của ngành logistics VN hiện nay.

CÒN NHIỀU BẤT CẬP

Cùng với sự phát triển nhanh của khu vực, VN nằm trong những nước có mức tăng trưởng nhanh, vì vậy việc phát triển hệ thống logistics hiện nay được xem là mục tiêu chiến lược. Tuy nhiên, do sự phát triển không đồng đều đã gây ra không ít khó khăn cho tốc độ tăng trưởng của VN. Có thể nhìn thấy hệ thống cơ sở hạ tầng được xây dựng còn manh mún, chấp vá từ những nhu cầu trước mắt mà không mang tính chiến lược. Dịch vụ của vận tải đường bộ còn thấp so với các nước trong khu vực, ngoài ra sự bất cập còn diễn ra ở cụm cảng nước sâu do sự đầu tư dàn trải dẫn đến thừa công năng không sử dụng được hết công suất gây lãng phí.

Do đó, mặc dù có sự tăng trưởng nhanh (khoảng 20-25%) trong thời gian vừa qua, các nhà cung cấp dịch vụ vẫn còn bị hạn chế và lúng túng ngoài ra thiếu và yếu về nguồn lực cũng dẫn đến hạn chế khả năng mở rộng và hiện đại hoá của ngành logistics VN.

Hiện nay, phần lớn thị trường logistics VN được nắm giữ bởi các tập đoàn nước ngoài, không chỉ sở hữu nguồn tài chính khổng lồ mà còn vượt trội hơn về mọi mặt, từ công nghệ, nguồn nhân lực, và cả hệ thống quản lý… Các DN này lại không ngừng nâng cao, cải tiến, áp dụng công nghệ cao vào hoạt động, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ. Do đó, thị phần của các DN Việt bị thu hẹp, thách thức về tính cạnh tranh cũng từ đó nâng cao, nhất là khi VN đang chuẩn bị tiến tới việc thống nhất thị trường chung logistics trong khu vực.

Tại các diễn đàn, các chuyên gia không ngừng đề cập đến các vấn đề về cơ sở hạ tầng, quy hoạch cảng biển và hệ thống quản lý cũng như nguồn nhân lực xoay quanh logistics của VN hiện nay. Ông Đỗ Xuân Quang - Chủ tịch VLA viện dẫn báo cáo của WB: “Lý do chính khiến hoạt động logistics tại VN kém hiệu quả xuất phát từ việc thiếu độ tin cậy trong suốt chuỗi cung ứng kết nối VN với phần còn lại của thế giới. Các nguyên nhân còn lại được xác định từ yếu tố kỹ thuật, tổ chức thực hiện các hoạt động logistics, luật pháp liên quan điều chỉnh logistics khó hiểu, chi phí “bôi trơn” trong công tác vẩn chuyển. Bên cạnh đó là việc quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông không đồng bộ, thiếu hành lang đa phương thức; vận tải đường bộ chưa đáp ứng nhu cầu của chủ hàng và cảng biển chưa được khai thác hết tiềm năng trong khi có khoảng 90% hàng hóa xuất nhập khẩu của VN được vận chuyển bằng đường biển…”. Từ những vấn đề cấp bách của ngành, các chuyên gia cũng không ngừng trao đổi, chia sẻ về thực trạng nhằm đưa ra các giải pháp, xu hướng trong thời gian sắp tới tại thị trường VN cũng như trên thế giới, nhằm nâng cao hiệu suất hoạt động cho các DN trong ngành logistics VN. Còn theo Thứ trưởng Bộ Công Thương - ông Trần Tuấn Anh: “thời gian qua các DN logistics VN chưa tìm được tiếng nói chung với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, chưa tạo ra sự gắn bó đầy đủ, thúc đẩy phát triển chung cho cộng đồng DNVN”. Điều này dẫn đến việc nhiều DN xuất nhập khẩu trong nước phải chịu các loại phí cao, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế là điều hiển nhiên.

KHÓ KHĂN TRONG VIỆC GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ

Tuy xác định được các mục tiêu chiến lược trong việc cải cách để hội nhập với kinh tế quốc tế, nhưng thực tế lại cho thấy để giải quyết các vấn đề mang tầm quốc gia lại hết sức khó khăn. Từ những thực trạng không vui của hoạt động logistics tại VN, các ý kiến cho rằng cần có nhiều giải pháp tháo gỡ ngay từ những bất cập để đồng bộ hóa các yếu tố phát triển ngành dịch vụ logistics trong nước, trước xu hướng VN tham gia ngày càng sâu vào các hiệp định kinh tế song phương và đa phương của các nước trên thế giới, định hướng ngành logistics phát triển theo những chiến lược nhất định đang là mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ. Nhất là trong việc tận dụng hiệp định thương mại tự do trong tình hình hiện nay đang là cơ hội để phát triển xuất nhập khẩu và dịch vụ logistics. Do đó, các DN logistics, các DN vận tải biển (kể cả DN bảo hiểm và ngân hàng…) phải liên kết, đứng cùng “chiến tuyến” với các DN xuất nhập khẩu, nhằm cung cấp giải pháp tối ưu, tin cậy, đảm bảo chuỗi cung ứng hiệu quả.

Đây chính là bước quan trọng để củng cố, gia tăng thị phần vận tải và dịch vụ logistics đối với hàng hóa xuất khẩu VN khi thực hiện các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương sắp tới, cũng như việc mở cửa thị trường này theo cam kết của WTO.

 

Mỹ Duyên


Address: 550 Crossroads, Binh Hoa Village, Thuan An District, Binh Duong Province
Tel: (+84) 0274-3766800, Fax: 0274-3766802, Email: contact@solog.vn