| Liên hệ |
An ninh hàng hải đang bị đe dọa (2014-05-21 23:34:25)

(Vietnam Logistics Review) Đầu tháng 5.2014, Trung Quốc đã ngang nhiên đưa giàn khoan Hải Dương 981 cùng hàng trăm tàu các loại vào sâu trong thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Trung Quốc thường xuyên có hành vi khiêu khích, tấn công các tàu của lực lượng chấp pháp trên biển của Việt Nam. Việc làm này không chỉ gây căng thẳng ở Biển Đông, phá vỡ mối quan hệ láng giềng, mà còn gây đe dọa đến an ninh hàng hải quốc tế.

Từ việc làm phi pháp

Trước hết, phải khẳng định hành động đơn phương của Trung Quốc là hành động vừa phi pháp, vừa phi lý vi phạm trắng trợn, nghiêm trọng luật pháp quốc tế. Cụ thể là Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 và Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà chính Trung Quốc đã đặt bút ký. Điều đặc biệt là trong khi các nước trong khối ASEAN và Trung Quốc đã đồng ý và có bước đi cụ thể nhằm đẩy nhanh quá trình xây dựng Bộ quy tắc Ứng xử Biển Đông (COC).

Trong những ngày qua, cộng đồng trong và ngoài nước và quốc tế đã kịch liệt phản đối, lên án chính quyền Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc đã phớt lờ những thiện chí của Việt Nam, tiếp tục có những hành động khiêu khích trên biển Đông.

Theo ông Trần Duy Hải - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng như nhiều học giả trong và ngoài nước, cho rằng việc đặt giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Trung Quốc đang đe dọa an ninh hàng hải biển Đông.

Còn Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm - Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cho biết nếu phía Trung Quốc tiếp tục vi phạm thì đường hàng hải quốc tế sẽ bị thu hẹp lại. Đây là điều Việt Nam không mong muốn.

Các nhà phân tích đã chỉ ra rằng sự phát triển kinh tế nhanh chóng, do đó rất cần đến năng lượng, thêm vào đó các lợi ích về an ninh hàng hải, thương mại trên biển Đông... đã khiến Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế, coi nhẹ mối quan hệ bang giao với các nước trong khu vực để thực hiện âm mưu độc chiếm Biển Đông.

Là một quốc gia có chủ quyền, đã trải qua nhiều biến cố chiến tranh, hiểu rõ những giá trị của độc lập và hòa bình nên Việt Nam không muốn đẩy vấn đề Biển Đông đi xa thêm nhưng cũng không bao giờ chấp nhận điều đó dù diễn biến có như thế nào.

Đến đe dọa an ninh hàng hải

Biển Đông không chỉ được dự báo là vùng biển giàu tài nguyên thiên nhiên, với trữ lượng dầu khí lớn, mà còn là tuyến đường giao lưu thương mại chiến lược giữa Đông Á với các châu lục khác như châu Á, Âu, Trung Đông và châu Phi... Theo thống kê, trong 39 tuyến đường hàng hải hiện đang hoạt động trên thế giới, thì có 29 tuyến đi qua địa phận Biển Đông. Trung bình mỗi ngày có khoảng từ 150 - 300 lượt tàu biển vận chuyển qua Biển Đông. Trong đó có khoảng 50% là tàu có trọng tải trên 5.000 tấn, hơn 10% là tàu có trọng tải từ 30.000 tấn trở lên. Tổng lưu lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường biển qua khu vực này chiếm khoảng 50% hàng hóa của thế giới. Cơ cấu hàng hóa vận chuyển giai đoạn 2000-2009, dầu mỏ chiếm 33-36%, hàng chủ đạo 21-27% và hàng khô 39-42%. Đồng thời Biển Đông còn đóng vai trò then chốt trong cấu trúc an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Một khi có xung đột xảy ra, dù ở mức độ nào cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tuyến đường vận tải hàng hóa và cả hành khách qua khu vực này, thu hẹp đường vận tải biển quốc tế, gây hoang mang cho các hãng tàu biển. Về lâu dài, các nhà vận tải, doanh nghiệp sẽ phải tính đến phương án lưu thông hàng hóa qua cung đường khác để tránh những rủi ro, đảm bảo an toàn cho hàng hóa, cũng như không làm gián đoạn chuỗi cung ứng logistics cho dù chi phí có thể phát sinh cao hơn.

Có thể nói, hành động gây căng thẳng của Trung Quốc đang làm phương hại đến quá trình phát triển kinh tế, giao lưu thương mại, xuất nhập khẩu của các nước láng giềng và cả thế giới, trong đó có chính họ.   

Trên tinh thần hòa hiếu, yêu chuộng hòa bình, giải quyết tranh chấp bằng con đường ngoại giao, không dùng vũ lực. Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các tổ chức, đoàn thể khác tại Việt Nam đã, đang và sẽ lên tiếng phản đối. Trên quan điểm của các nhà kinh tế, vận tải, logistics, nhiều chuyên gia cho rằng, các tổ chức nghề nghiệp, ngành hàng có lợi ích liên quan như Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), Hiệp hội Đại lý và Môi giới Hàng hải (VISABA), Hiệp hội Cảng biển (VPA), Hiệp hội chủ tàu Việt Nam (VSA), Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam (VNSC)... cần có những tiếng nói, thông tin phản ánh về việc làm sai trái của Trung Quốc cho phía đối tác khắp thế giới để tranh thủ tiếng nói của họ, yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan HD 98, không tiếp tục gây hấn trên Biển Đông. Có như vậy, an ninh, an toàn hàng hải mới được đảm bảo, trong đó có các hoạt động vận tải... góp phần mang lại hòa bình, ổn định, phát triển kinh tế biển vì lợi ích chung của nhiều quốc gia trên thế giới.

 

Nguyên Vũ


Address: 550 Crossroads, Binh Hoa Village, Thuan An District, Binh Duong Province
Tel: (+84) 0274-3766800, Fax: 0274-3766802, Email: contact@solog.vn