| Liên hệ |
Cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu từ FTA Việt Nam-EU (2014-07-06 11:14:25)

Ngày 4-7, tại TP.HCM, Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Phòng Thương mại Ý tại Việt Nam tổ chức hội thảo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU cơ hội và thách thức.

Theo Bộ Công Thương, trong những năm qua với sự nỗ lực của Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và EU, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và EU đã liên tục tăng trưởng, trong vòng 13 năm từ năm 2000 đến năm 2013, kim ngạch hai chiều Việt Nam và EU đã tăng 7 lần từ 4,1 tỉ năm 2000 lên 33,7 tỉ năm 2013. Trong đó xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng 8 lần và nhập khẩu của Việt Nam từ EU tăng 6,2 lần.

Từ năm 2012, EU đã vượt qua Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất và là đối tác thương mại thứ 2 của Việt Nam.

Quan hệ thương mại Việt Nam– EU trong thời gian qua đã có những động thái tích cực. Bắt đầu từ năm 2014, EU đã áp dụng chế độ GSP cho hàng xuất khẩu Việt Nam, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam có sức cạnh tranh hơn khi tiếp cận thị trường EU. Hiện quá trình đàm phán hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EU FTA) vừa hoàn tất vòng đàm phán thứ 8 vào ngày 28-6-2014 và hai bên đang phấn đấu kết thúc đàm phán trong năm nay.

Nhận định về giá trị của FTA Việt Nam – EU, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Hiệp định được ký kết tạo ra khuôn khổ và hành lang pháp lý rõ ràng, giúp DN có được định hướng lâu dài để xây dựng các chiến lược kinh doanh dài hạn. Dự kiến, nếu FTA với EU được hình thành thì không chỉ giúp xuất khẩu của Việt Nam tăng trung bình 4%/năm, giảm mức chịu thuế nhập khẩu mà còn là cơ hội để DN trong nước bớt sức ép cạnh tranh từ Trung Quốc - quốc gia chưa có FTA với EU.

Phân tích về lợi thế của FTA Việt Nam – EU, ông Lê Kỳ Anh, đại diện Phái đoàn thường trực EU tại Việt Nam cho biết, đây là FTA Việt Nam-EU mang tính bổ sung cao vì vậy sẽ mở ra hàng loạt cơ hội đối với các mặt hàng nông thủy sản của Việt Nam, vì EU không có thủy sản, cà phê, lúa gạo. Ngoài ra, việc ký kết FTA Việt Nam– EU không chỉ mở ra một hướng đi mới để DN tiếp cận thị trường các nước mà bản thân người tiêu dùng được hưởng lợi khi hàng hóa không có thuế quan.

FTA với EU hứa hẹn sẽ có những tác động tích cực đối với Việt Nam như mở rộng thị trường xuất khẩu, nâng cao khả năng cạnh tranh và thúc đẩy cải cách, tái cơ cấu nền kinh tế. Bên cạnh đó, khu vực dịch vụ cũng được kỳ vọng mở rộng đáng kể nhờ FTA và có thể góp phần làm tăng hiệu suất cho toàn bộ nền kinh tế; thúc đẩy đầu tư và cải tiến công nghệ, nhờ đó dịch chuyển năng suất và tăng đầu ra. Tuy nhiên bên cạnh đó, tham gia vào các FTA, Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với không ít thách thức mà nếu không có sự chuẩn bị tốt thì có thể sẽ để vuột mất cơ hội.

Theo ông Trần Ngọc Quân, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Âu (Bộ Công Thương), nếu Việt Nam đàm phán thành công FTA với EU các doanh nghiệp cần phải nắm bắt và đáp ứng ngay nhu cầu của đối tác và thị trường. Trong đó, đảm bảo nâng cao chất lượng hàng hóa nhằm gia tăng tính cạnh tranh, đồng thời chuẩn bị kỹ về tiêu chuẩn kỹ thuật EU là thị trường có nhiều quy định kỹ thuật khắt khe với mục đích bảo vệ sức khỏe con người, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững… Một vấn đề khó khăn nữa là đến thời điểm hiện nay Việt Nam vẫn chưa được hưởng ưu đãi nhiều từ thị trường EU, đặc biệt EU chưa công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam. Đây chính là rào cản trong quá trình hợp tác.

Theo Báo Hải Quan

 


Address: 550 Crossroads, Binh Hoa Village, Thuan An District, Binh Duong Province
Tel: (+84) 0274-3766800, Fax: 0274-3766802, Email: contact@solog.vn