| Liên hệ |
Logistics Việt Nam cần một tổ chức cấp Nhà nước quản lý (2013-12-10 22:41:52)



















TỪ… TIỀM NĂNG LỚN

Hiện nay, cơ sở hạ tầng giao thông bao gồm 22 sân bay dân dụng, với 8 sân bay có đường băng dài 3.000m có khả năng các máy bay lớn. 3.200 km đường sắt quốc gia, khoảng 17.300 km đường quốc lộ, và khoảng 217 cầu cảng. Theo WB, trong 20 năm trở lại đây xuất khẩu của VN tăng nhanh, bình quân đạt 18% năm, đặc biệt là sau năm 2003. Cơ cấu xuất khẩu được cải thiện, giảm xuất khẩu thô, tăng hàng công nghiệp chế biến, mở rộng thị phần…

Cũng theo một số nghiên cứu thì hiện nay các nhà đầu tư nước ngoài đang có xu hướng muốn đầu tư sang thị trường châu Á, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á như Philippines, VN, Indonesia, Myanmar, Malaysia… Đây là cơ hội vàng cho VN thu hút vốn đầu tư từ phía nước ngoài.

Thực tế trên cho thấy tiềm năng về dịch vụ logistics của VN là rất lớn để phục vụ cho cả một nền kinh tế đang mở cửa đặc biệt là nhu cầu xuất nhập khẩu.

ĐẾN… CÂU CHUYỆN THIẾU ĐỒNG BỘ

Với hệ thống cảng biển, sân bay, đường bộ của nước ta đã hội đủ điều kiện để phát triển ngành logistics phục vụ nhu cầu xuất nhập khẩu, nhưng hiện nay năng lực giao thông vẫn chưa theo kịp tăng trưởng xuất khẩu. Trong khi đó, dự kiến năm 2020 xuất khẩu sẽ tăng gấp 3 lần, tuy nhiên mức đầu tư hạ tầng giao thông vận tải hàng năm chỉ chiếm 3,1% GDP là thấp so với mức trung bình của các quốc gia có cùng mức phát triển. Tình trạng hạ tầng yếu như hiện nay đang là rào cản cho hoạt động thương mại và xuất khẩu. Trong 15 năm vừa qua nước ta liên tục mất cân đối giữa tăng trưởng khối lượng vận chuyển hàng hóa (12%), tăng trưởng thương mại (18%) với tăng trưởng đầu tư hạ tầng (0%), và đầu tư hạ tầng phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư công.

Theo ông Đỗ Xuân Quang - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), Chủ tịch Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận Đông Nam Á (AFFA): “Giải pháp tháo gỡ khó khăn hiện nay là phải cải thiện cơ sở hạ tầng kết nối logistics. Chẳng hạn, xây cảng phải có đường vào, có hệ thống kho bãi phía sau cảng, kết nối được với các trung tâm phân phối, các khu công nghiệp. Ngoài ra, các quy định của Nhà nước hiện nay cũng chưa đầy đủ. Điều chỉnh các quan hệ về logistics mới chỉ dựa trên Luật Thương mại, do đó sẽ không đủ cho hoạt động logistics”.

Ngoài ra, theo nghiên cứu của Viện Kinh tế và Phát triển cho biết, các doanh nghiệp logistics thiếu sự liên kết hợp tác, thiếu đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp và nguồn nhân lực logistics chỉ được đào tạo qua công việc.

Đây chính là những nguyên nhân cơ bản làm cho năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp logistics VN thấp, và thua so với các doanh nghiệp nước ngoài trong tình hình hiện nay là điều dễ hiểu. Các doanh nghiệp VN chủ yếu vẫn đóng vai trò là “vệ tinh” cho các công ty logistics nước ngoài, chỉ đảm nhận một số dịch vụ đơn lẻ trong hoạt động logistics như làm thủ tục hải quan, cho thuê phương tiện vận tải, kho bãi….

Việc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp logistics trong hoạt động kinh doanh là điều cần thiết, nhằm thúc đẩy và tạo động lực phát triển kinh doanh. Nhưng trong điều kiện hiện nay khi mà các doanh nghiệp trong nước mới chỉ cung ứng dịch vụ truyền thống, đơn lẻ, chủ yếu là làm đại lý, quy mô vừa và nhỏ, kinh doanh còn manh mún, lao động vừa thiếu lại vừa yếu, chưa có sự hợp tác, liên minh liên kết để cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài, thì kinh doanh theo kiểu “chụp giật”, manh mún, cạnh tranh theo kiểu hạ giá cước làm hàng, hạ giá thành để làm đại lý cho nước ngoài một cách không lành mạnh là kiểu làm ăn không theo đúng quy tắc thị trường, là tạo tiền lệ các doanh nghiệp nước ngoài chiếm lĩnh thị trường ngành logistics non trẻ của VN.

Sự thiếu đồng bộ của các phương thức vận chuyển trong ngành logistics đang tạo ra sự tắc nghẽn cho dòng chảy của hàng hóa, làm tăng chi phí và hạn chế sự phát triển của ngành logistics nước nhà.

VÀ… CẦN MỘT TỔ CHỨC QUẢN LÝ

Sau khi hội nhập, năng lực cạnh tranh thương mại thấp đang là điểm yếu của VN, thể hiện ở chuỗi cung ứng hàng hóa chưa tạo ra giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ thấp, các thủ tục quy định về thương mại biên giới và đặc biệt là hạ tầng giao thông chưa được quan tâm.

“Tuy  logistics được xem là  “yếu tố then chốt” để phát triển sản xuất, thúc đẩy phát triển các ngành dịch vụ khác, nhưng đến nay chưa được quản lý theo một đầu mối thống nhất,... Đây là một trong những khó khăn rất lớn làm ảnh hưởng tới sự phát triển của ngành dịch vụ logistics của VN”, ông Đỗ Xuân Quang cho biết.

Điều hết sức bất cập hiện nay là tất cả các ngành trong nền kinh tế đều có cơ quan chủ quản, trong khi đó, logistics là một ngành kinh tế vô cùng quan trọng nhưng chưa có một cơ quan chủ quản nào. VN cần phải có Ủy ban quốc gia về logistics để giải quyết các vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng, khung thể chế... Đây là giải pháp quan trọng để giảm được chi phí logistics.

Trong bối cảnh khi mà hoạt động xuất nhập khẩu của VN ngày càng phát triển, thương mại nội địa ngày càng mở rộng nhu cầu dịch vụ logistics càng gia tăng thì đây là vấn đề cần phải đặc biệt quan tâm, khắc phục để hạn chế thua thiệt ngay trên “sân nhà” đối với lĩnh vực được coi là ngành dịch vụ “cơ sở hạ tầng” của nền kinh tế, không chỉ đem lại nguồn lợi to lớn đối với đất nước mà còn có vai trò quan trọng trong đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế hiện nay.

 

Thành Phương


Address: 550 Crossroads, Binh Hoa Village, Thuan An District, Binh Duong Province
Tel: (+84) 0274-3766800, Fax: 0274-3766802, Email: contact@solog.vn