| Liên hệ |
Cuộc đua ngầm của cảng biển (2013-12-20 09:52:13)



















CUỘC ĐUA THỜI MỞ CỬA

Nước ta đang trên đà phát triển theo hướng công nghiệp, thương mại, dịch vụ, để hội nhập kinh tế quốc tế, ngành thương mại hàng hải ngày càng giữ vai trò trọng yếu trong thương mại toàn cầu. Hiện theo lộ trình cam kết WTO đang từng bước có hiệu lực tại VN trong lĩnh vực vận tải biển và dịch vụ hàng hải, tạo cơ hội rất lớn cho các đối tác và các nhà đầu tư nước ngoài tham gia.

Nhà nước đã ra các nghị quyết để xây dựng “Chiến lược biển Việt Nam đến 2020, định hướng đến năm 2030”; Nghị quyết 09, và Nghị quyết 13 “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại vào năm 2020”. Tuy nhiên, tại Hội nghị Thường niên của Hiệp hội Cảng biển Việt Nam năm 2012 đã xác nhận sẽ kiến nghị việc chấm dứt cuộc đua đầu tư xây dựng cảng biển do suy thoái đã tác động mạnh mẽ đến các hoạt động của ngành cảng biển. Mới đây, lại có dự án xây dựng cảng Nghi Sơn tại Thanh Hóa với số tiền đầu tư khoản 4 tỉ USD sẽ tiến hành vào năm 2014, trước câu hỏi vì sao Thanh Hóa vẫn thúc đẩy các dự án cảng biển trong khi có nhiều ý kiến lo ngại trước tình hình đầu tư dàn trải trên cả nước nhưng không hiệu quả, ông Trần Hòa, Trưởng ban quản lý khu kinh tế Nghi Sơn cho biết: “Chúng tôi cũng rất trăn trở việc có hàng hóa hay không, nhưng tiền túi tư nhân bỏ ra thì họ tất nhiên có nghiên cứu kỹ…”.  

Vì vậy, không quá phô trương nhưng cuộc đua giữa các cảng biển trước hội nhập đang dần chuyển sang một quy mô lớn hơn, chuyên nghiệp hơn và đang ngầm diễn ra khá phức tạp. Điển hình là từ nay đến năm 2020, ngành hàng hải sẽ tập trung vào một số dự án trọng tâm như xây dựng, nâng cấp các cảng lớn như Cảng Cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện, nâng cấp tuyến luồng tàu biển Cái Mép – Thị  Vải, dự án luồng cho tàu trọng tải 10.000DWT vào sông Hậu. Ngoài ra việc nạo vét các luồng lạch cũng được chú ý đầu tư với tiền tỷ như luồng cảng Kỳ Hà tại Quảng Nam.

Sự bất cập của các dịch vụ đi kèm cũng từ đó hình thành khi các cảng biển đua nhau tranh giành thị phần nhằm “đón đầu” xu thế, gây ra cái nhìn đầy e ngại cho các chuyên gia. Trước mắt là sự tắc nghẽn giao thông do sự đầu tư dàn trải và không đồng bộ.

VÀ KẾT QUẢ LÃNG PHÍ

Không khó để nhận ra những công trình hàng nghìn tỷ đồng được đầu tư xây dựng rồi “nằm đắp chiếu”, trong khi các công trình thiết thực của người dân vẫn chưa được đáp ứng. Cũng mới đây trong báo cáo trình bày trước Ủy ban thường vụ Quốc hội về dự án Luật đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Bùi Quang Vinh có nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thông qua dự luật vào thời điểm hiện tại, nếu không sẽ không thể ngăn chặn được hiện trạng đầu tư công dàn trải, tràn lan… Nhiều dự án bất bình thường đã được ông “chỉ mặt đặt tên”, như các công trình cảng biển xây dựng quy mô nhưng hiệu quả không có, các tỉnh thì cứ đua nhau xin đầu tư… nhưng thực tế không sử dụng hết công năng gây lãng phí thì chưa thấy ai chịu trách nhiệm.

Nhiều nghiên cứu cho thấy sự đầu tư dàn trải và không đồng bộ đã cho ra kết quả là sự lãng phí. Thống kê cho thấy trong 10 năm qua, VN đã đầu tư công với 20 cảng biển quốc tế, 18 khu kinh tế ven biển, 22 sân bay dân dụng (trong đó có 8 sân bay quốc tế), 28 khu kinh tế cửa khẩu, 267 khu công nghiệp (trung bình 1 tỉnh có 4 khu công nghiệp), 1.757 dự án trong các lĩnh vực giao thông, thủy lợi và di dân với tổng mức đầu tư lên đến 444.000 tỷ đồng. Điều đáng nói là những dự án này đều kém hiệu quả khi đưa vào khai thác sử dụng. Ngoài ra, tổng giá trị hạ tầng hàng không của nước ta trên 70 tỷ USD với tiềm năng không nhỏ khoảng 200 triệu hành khách/năm, trên thực tế nước ta chỉ phục vụ 12 triệu hành khách/năm. Như vậy là lãng phí lên đến 94% thị phần.

Cuộc đua của các nhà đầu tư xây cảng, sân bay đã gây tác hại trực tiếp đến nhiều lĩnh vực khác, mà các chuyên gia đang e ngại là tình trạng giao thông. Cảng và các sân bay thì đua nhau mọc lên trong khi cơ sở hạ tầng giao thông thì đang “oằn vai” gánh chịu hậu quả. Mặc dù tiềm năng của cảng biển cũng như dịch vụ logistics của VN là rất lớn, và cũng có nhiều đầu tư công vào nâng cấp hạ tầng giao thông nhưng năng lực giao thông vẫn chưa theo kịp tăng trưởng xuất khẩu. Ước tính việc tắc nghẽn giao thông khiến cho doanh nghiệp thất thoát khoản 152 triệu USD/năm. Hiện nay cơ sở hạ tầng giao thông của VN mỗi năm thất thoát 1,7 tỷ USD do tắc nghẽn giao thông.

Với tình trạng hạ tầng yếu như hiện nay thì vô tình chính nó là rào cảng cho hoạt động thương mại. Thực tế đã chứng minh rõ sự yếu kém của cơ sở hạ tầng, sự mất cân đối giữa tăng trưởng khối lượng hàng hóa, tăng trưởng thương mại với tăng trưởng đầu tư hạ tầng giao thông trong suốt 10 năm qua luôn ở mức chênh lệch, và tăng trưởng cơ sở hạ tầng giao thông cũng còn phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư công. Trong khi đầu tư hạ tầng hỗ trợ thương mại vẫn giẫm chân tại chỗ thì các quốc gia như Malaysia, Thái Lan… lại tích cực đầu tư vào lĩnh vực này. Vì vậy dự báo VN sẽ mất năng lực cạnh tranh nếu cứ tiếp tục đầu tư vào các dự án xây dựng cảng biển, sân bay mà bỏ quên cơ sở hạ tầng giao thông.

Mỹ Duyên


Address: 550 Crossroads, Binh Hoa Village, Thuan An District, Binh Duong Province
Tel: (+84) 0274-3766800, Fax: 0274-3766802, Email: contact@solog.vn