| Liên hệ |
Phát triển đập thủy điện sông Mê Kông: góc nhìn từ logistics (2014-01-08 18:09:59)

Cuối tháng 09.2013, vừa qua Chính phủ Lào đã chính thức thông báo với Ủy hội sông Mê Kông (MRC) về quyết định tiếp tục phát triển Dự án Thủy điện Don Sahong. Quyết định này có thể gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái, môi trường cũng như gây thiệt hại đến hoạt động kinh tế của vùng hạ lưu sông Mê Kông, trong đó có hoạt động logistics.

TIỀM NĂNG LOGISTICS SÔNG MÊ KÔNG

Sông Mê Kông có chiều dài 4.880 km, bắt nguồn từ Trung Quốc chảy qua địa phận 6 quốc gia bao gồm Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Được đánh giá là con sông quốc tế đứng thứ 12 trên thế giới về độ dài và thứ 10 về lưu lượng dòng nước. Nó có tiềm năng rất lớn cho thủy điện, hoạt động nông nghiệp, thủy sản và kinh tế vận tải.

Ở khía cạnh kinh tế vận tải, logistics sông Mê Kông được coi là tuyến đường vận chuyển hàng hóa quan trọng giữa các quốc gia và các vùng trong nội tại mỗi nước với nhau. Từ nhiều thế kỷ trước, hệ thống sông Mê Kông được xem là hình thức vận tải chính giữa cộng đồng dân cư tại các nước ven sông. Với lợi thế là giá thành rẻ, có thể vận chuyển hàng hóa với khối lượng lớn, ngày nay giao thông thủy trên sông Mê Kông vẫn được đặc biệt coi trọng. Sự phát triển nhanh về kinh tế của mỗi quốc gia đã góp phần phát triển hệ thống giao thông thủy trên hệ thống sông Mê Kông với sự tăng nhanh về số lượng phương tiện tàu thuyền, các bến cảng và công trình hạ tầng nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách và du lịch...

Nhận thức được tầm quan trọng cũng như thách thức của giao thông thủy đến sự phát triển bền vững trên lưu vực, MRC đã xây dựng Chương trình Giao thông thủy (NAP), dựa trên Chiến lược giao thông thủy và hỗ trợ việc thực hiện Điều 9 Hiệp định Mê Kông 1995 về “Tự do giao thông thủy”. Mục tiêu của chương trình nhằm “Tăng cường tự do giao thông thủy và phát triển thương mại vì lợi ích chung của các nước thành viên Uỷ hội sông Mê Kông quốc tế, hỗ trợ phối hợp và hợp tác trong việc phát triển vận tải an toàn và có hiệu quả, bền vững về môi trường đường thủy”. Nhờ đó nhiều chương trình hợp tác về giao thông thủy ra đến biển giữa các nước như Lào, Campuchia, Việt Nam cũng đã được triển khai.

Mặc dù chưa có số liệu thống kê đầy đủ về số lượng cảng, bến, kho bãi, hàng hóa vận chuyển trên toàn hệ thống các nước trong MRC, nhưng chỉ tính riêng các cảng và bến sông ở Đồng bằng sông Cửu Long, có tới trên 2.500 bến cảng thủy nội địa. Trong đó có khoảng 60 cảng thủy nội địa, 106 bến nổi còn lại là bến thủy nội địa; 85 bến đón khách dọc sông, số còn lại là bến bốc xếp hàng hóa. Hiện đã có hệ thống cảng phục vụ tàu biển nằm dọc sông Tiền, sông Hậu nhưng hầu hết chỉ có khả năng tiếp nhận tàu 3.000-5.000 DWT, một số ít cảng quy mô tiếp nhận tàu có trọng tải 10.000-20.000 DWT. Năng lực thông qua cảng 50.000-300.000 tấn/năm. Trong tổng số hàng hóa vận chuyển thì vận tải đường thủy chiếm tới 68,8%, điều này cho thấy tầm quan trọng của mạng lưới hạ lưu sông Mê Kông.

Tiềm năng là vậy, nhưng phương thức vận tải thủy, cũng như các dịch vụ logistics tại lưu vực sông Mê Kông, nhất là Việt Nam, đang phải đối mặt với việc các quốc gia đã và đang chuẩn bị xây những con đập thủy điện trên dòng chính con sông này.

NỖI LO MỚI TỪ CÂU CHUYỆN CŨ

Theo Hiệp định Hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mê Kông, việc sử dụng nước phải dựa trên nguyên tắc công bằng, hợp lý và không gây hại. Như vậy, việc xây dựng đập trên dòng chính của sông phải thực hiện đúng Quy chế thông báo, Tham vấn trước và Thỏa thuận.

Dự án Thủy điện Xayaburi được xây trên dòng chính, mặc dù cũng có những tranh cãi, nhưng sau cùng nó cũng được chấp thuận. Tuy nhiên, dự án Don Sahong sắp được triển khai thì mới chỉ gửi Thông báo tới các nước thuộc Ủy hội, vì Lào cho rằng đây chỉ là một dòng nhánh. Nhưng nếu chiểu theo Thông cáo báo chí của MRC thì Don Sahong nằm trên dòng chảy Hou Sahong dài 5km, là một trong những dòng chảy bị phân dòng của sông Mê Kông.

Thực tế, câu chuyện xây dựng các đập thủy điện trên dòng sông Mê Kông đã được các tổ chức thiên nhiên, môi trường nhà khoa học trên thế giới cảnh báo nhiều lần rằng: Việc xây đập sẽ có thể sẽ giúp một số quốc gia nghèo phát triển kinh tế, dựa trên nguồn năng lượng thủy điện, nhưng đồng thời cũng gây tác động lớn không chỉ cho môi trường, sinh thái mà còn gây thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng đến đời sống của cư dân trong lưu vực, đặc biệt là vùng hạ lưu.

TS. Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên Nước và Thích nghi Biến đổi khí hậu, nguyên Phó Tổng thư ký Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam cho rằng, việc phát triển đập thủy điện trên các dòng nhánh là quyền của mỗi quốc gia nhằm phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế của riêng mình, tuy nhiên cần phải dựa trên những nguyên tắc cơ bản của Hiệp định chung, cũng như các điều lệ quốc tế khác.

Nằm ở điểm cuối của hạ lưu sông Mê Kông, dù chỉ chiếm khoảng 8% diện tích lưu vực và khoảng 11% tổng lượng nước, nhưng lại có khoảng 20 triệu cư dân sinh sống (chiếm gần 1/3 tổng cư dân sống trong toàn bộ lưu vực). Sản lượng nông nghiệp của vùng chiếm trên 50% cả nước, riêng lương thực xuất khẩu 90%, cây ăn trái và thủy sản khoảng 70%. Chính vì vậy việc xây dựng các đập thủy điện trên sông Mê Kông sẽ gây nhiều hệ lụy. Bên cạnh những khó khăn về môi trường, sinh thái, sinh kế của người dân, các hoạt động logistics, vận tải hành khách, hàng hóa cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo đó việc kết nối thông suốt tuyến đường thủy từ biên giới Trung Quốc ra biển là điều không thể, thêm vào đó việc ngăn dòng sẽ gây ra tình trạng thiếu nước vào mùa khô, hạn chế dòng chảy, hạn chế việc di chuyển của tàu thuyền, hàng hóa chậm lưu thay việc thông, hoạt động bốc dỡ hàng hóa tại cảng sẽ gặp khó khăn.

Việc có nhiều đập chắn thủy điện, khiến hàng hóa chỉ chuyên chở được trên các tuyến ngắn, hạn chế tàu lớn và đương nhiên sẽ làm tăng chi phí vận chuyển, giảm sức cạnh tranh.

Theo dự kiến, Lào và Campuchia đã có kế hoạch xây dựng 11 đập ngăn nước, chủ yếu phục vụ cho nhu cầu năng lượng trên sông Mê Kông. Nếu tất cả các đập này được xây dựng thì sẽ gây tác hại không nhỏ cho các hoạt động sản xuất nông nghiệp, thủy sản và cả logistics tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Nguyên Vũ


Address: 550 Crossroads, Binh Hoa Village, Thuan An District, Binh Duong Province
Tel: (+84) 0274-3766800, Fax: 0274-3766802, Email: contact@solog.vn