| Liên hệ |
“Cơ hội dân số vàng” của Việt Nam (2014-02-11 22:11:55)



















Ngày 31.10.2013 dân số VN đạt 90 triệu người, xếp thứ 14 trong những quốc gia đông dân nhất thế giới và thứ ba trong khối ASEAN. Mỗi năm dân số VN tăng 1 triệu người, dự kiến đến năm 2050 là 110 triệu người. Đất đai vốn hẹp, người đông, tài nguyên thiên nhiên không mấy phong phú, biển chiếm ¾ lãnh thổ quốc gia chưa được khai thác bao nhiêu, lại là nước vừa mới ra khỏi các quốc gia có thu nhập thấp toàn cầu. Nhưng đang ở vị thế vươn lên về nhiều mặt trên chính trường quốc tế. Điều này càng đáng để chúng ta suy nghĩ nên tận dụng “cơ hội dân số vàng” (2010-2040) như thế nào? Để đưa đất nước thành quốc gia công nghiệp biển hùng mạnh trong khu vực và trên thế giới vào năm 2020. Đây cũng là sự trăn trở của nhiều bạn đọc mà tác giả muốn cùng chia sẻ.

NẮM BẮT THỜI CƠ

Chúng ta bước vào thế kỷ 21 với nhiều thách thức và thuận lợi đan xen lẫn nhau. Dự báo năm 2050 dân số thế giới sẽ đạt mức 9,3 tỷ người. Đương nhiên vấn nạn thiếu chỗ ở cho cư dân được đô thị hóa càng trầm trọng hơn, nạn khan hiếm nước ngọt và lương thực, thực phẩm diễn ra ngày một gay gắt do thiếu đất đai canh tác nông nghiệp khi nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu toàn cầu gây ra, cộng với tình trạng suy thoái kinh tế thế giới kéo dài, tạo ra bức tranh phát triển tương lai của loài người không mấy sáng sủa lắm, nếu không nói là ảm đạm. Phát triển và bất cập luôn đối kháng với nhau, đòi hỏi mức phấn đấu cao hơn của mỗi quốc gia thế giới cũng như mọi cư dân trên trái đất để xây dựng đất nước mình bền vững hơn, và kiến tạo một thế giới tốt đẹp hơn cho các thế hệ mai sau.

Cơ hội dân số vàng

Theo định nghĩa của Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc: Một nước được coi là có “cơ hội dân số vàng” khi tỉ số phụ thuộc dân số của nước đó nhỏ hơn 50, tức là một người ngoài độ tuổi lao động sẽ được hỗ trợ bởi hơn hai người trong độ tuổi lao động.

Tổng cục thống kê VN xác định rõ hơn “Cơ hội dân số vàng” xảy ra khi tỷ lệ trẻ em (từ 0 đến 14 tuổi) thấp hơn 30% và tỷ lệ người cao tuổi (65 tuổi trở lên) thấp hơn 15%.

Theo Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc, năm 2010, trên 60% người VN ở tuổi lao động (15–64 tuổi). Giai đoạn năm 2011–2020, lực lượng lao động VN tăng 1% năm tương ứng 47,82 triệu người (2011), 50,4 triệu người (2015) và 53,15 triệu người (2020).

Như vậy, “cơ hội dân số vàng” của VN đang diễn ra từ 2010 đến 2040, trong vòng 30 năm tới. Do đó, chúng ta cần xây dựng chiến lược phát triển đất nước phù hợp với xu thế hội nhập, trên cơ sở lấy khoa học – công nghệ hiện đại làm động lực thúc đẩy năng suất lao động cao cho nguồn nhân lực dồi dào có nghề nghiệp và kỹ năng đủ sức cạnh tranh quốc tế, để từng bước chuyển sang kinh tế tri thức, phát triển bền vững.

Những quốc gia đã thành công khi tận dụng “cơ hội dân số vàng”

“Cơ hội dân số vàng” không tự thân mang lại lợi ích cho bất cứ quốc gia nào không có chính sách và chiến lược phù hợp, vì đó là qui luật tự nhiên trong quá trình phát triển của mỗi dân tộc.

Các quốc gia Đông Bắc Á tận dụng tốt hơn các nước Đông Nam Á nhờ có khoa học công nghệ vượt trội và dân số trực tiếp tham gia hoạt động kinh tế cao. Tăng trưởng nhanh nhưng ổn định. Trong suốt thời kỳ 1960–1990, tốc độ tăng mức tư bản tích lỹ bình quân lao động ở Nhật Bản đạt 7,6%/năm, Hàn Quốc và Đài Loan trên 8,5%/năm do tận dụng tốt “Cơ hội dân số vàng”.

Singapore có 40 năm “Cơ hội dân số vàng” (1980-2020). Họ biết tận dụng cơ hội này để đưa Singapore vào hàng những quốc gia có thu nhập cao trên thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, tài chính và khoa học công nghệ hiện đại, hàng hải, container, logistics… Thái Lan có 35 năm “cơ hội dân số vàng” (1990-2025). Malaysia có 30 năm “cơ hội dân số vàng” (2015-2045). Hai nước này cũng biết tận dụng ở những mức độ khác nhau để biến quốc gia của họ thành những nước tầm vóc trong khu vực ASEAN.

Nhìn chung những thập kỷ gần đây, nhiều nước đã dựa vào sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng khoa học – công nghệ thế giới, kết hợp với “cơ hội dân số vàng” để đưa đất nước của họ vào thời kỳ phát triển thần kỳ được mệnh danh là những con “Rồng” hay “Hổ” châu Á, như Hàn Quốc, Singapore, lãnh thổ Đài Loan và Nhật Bản.

“CƠ HỘI DÂN SỐ VÀNG” CỦA VN

Cách mạng hóa lĩnh vực giáo dục đào tạo

Giáo dục và đào tạo là hai mặt của một thể thống nhất không thể tách rời vì chúng bổ sung cho nhau và quyết định sự thành bại cho một chiến lược cũng như hưng thịnh quốc gia.

Ở VN, mỗi năm có hơn 1 triệu người thi đại học và các trường cao đẳng nhưng vẫn không đủ nhân lực để xây dựng đất nước. Sự thiếu hụt này xuất phát từ cơ cấu bất hợp lý của ngành giáo dục từ bậc cơ sở cho đến bậc đại học, cộng thêm sự yếu kém trong công tác đào tạo dẫn đến sự mất cân đối giữa dân số quốc gia và lực lượng lao động phục vụ phát triển Tổ quốc.

Ngân hàng Thế giới (WB) xếp VN đứng thứ 11/12 nước châu Á tham gia xếp hạng về chất lượng nguồn nhân lực. Lấy điểm 10 làm thang, chúng ta có kết quả như sau: Hàn Quốc 6,91 điểm, Ấn Độ 5,6 điểm, Malaysia 5,59 điểm, Thái Lan 4,94 điểm và VN 3,79 điểm.

 

Cơ cấu đào tạo

Đại học và trên đại học

Trung học chuyên nghiệp

Công nhân kỹ thuật

VN      

1

1,3

0,9

Thế giới

1

4

10

Nguồn nhân lực VN hiện giờ “Thầy nhiều hơn Thợ”. Chính điều này đã làm suy yếu và gây thiếu hụt lao động có nghề nghiệp, đang là nhu cầu tăng trưởng kinh tế quốc dân.

Ở bậc trung cấp và sơ cấp, cần chú trọng huấn luyệt nghề nghiệp cũng như kỹ năng lao động để tạo ra lực lượng hùng hậu có tay nghề cao. Ở bậc đại học và trên đại học cần quan tâm “đầu ra” hơn “đầu vào” để có cử nhân, kỹ sư giỏi, làm chủ được khoa học – công nghệ hiện đại, chuẩn bị điều kiện chuyển dần sang nền kinh tế tri thức và phát triển bền vững.

Theo thống kê, cả nước hiện có 53 triệu người ở tuổi lao động (chiếm 63% dân số) thì chỉ mới có 27% được đào tạo chính qui, đạt chất lượng quốc tế, còn lại 73% chưa được đào tạo thông qua trường lớp nào. Năng suất lao động VN được xếp 77/125 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Kết quả này cho thấy, vấn đề đào tạo nghề nghiệp cũng như kỹ năng lao động cho dân là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng trong chiến lược tạo nguồn nhân lực quốc gia.

Đầu năm 2011, VN đã xây dựng qui hoạch phát triển nhân lực (giai đoạn 2011-2020). Trong 10 năm tới sẽ có khoảng 30,5 triệu người lao động được đào tạo với mức tổng đầu tư lên đến 2.135.000 tỷ đồng (12% tổng vốn đầu tư toàn xã hội) và sẽ có thêm 158 trường đại học và cao đẳng được thành lập, để đáp ứng nhu cầu “Vì sự nghiệp 100 năm trồng người”.

Phát triển một số ngành khoa học – công nghệ mới đang thiếu và nâng cao chất lượng đội ngũ khoa học kỹ thuật

Cần nhanh chóng phát triển chiều rộng lẫn chiều sâu theo phương châm là phục vụ xây dựng đất nước và nâng cao an sinh xã hội ngày một tốt hơn:

- Tập trung cho nghiên cứu khoa học với những đề tài thiết thực theo yêu cầu của sản xuất kinh doanh và xã hội. Gắn nghiên cứu với ứng dụng (những đề tài đã được nghiệm thu phải đưa ra phục vụ sản xuất và đời sống);

- Xây dựng môi trường hoạt động thông thoáng để thu hút đông đảo người tham gia nghiên cứu (kể cả chính sách về đãi ngộ, lương bổng, thù lao thích hợp cho những đề tài mang tầm cỡ quốc tế);

- Mạnh dạn đầu tư và hỗ trợ cho những đơn vị sản xuất kinh doanh thực hiện các chương trình nghiên cứu & phát triển (R & D) để tạo sản phẩm công nghệ cao. Xây dựng thương hiệu mạnh quốc gia có thể cạnh tranh ở cấp độ toàn cầu, làm cho hàng hóa VN phong phú hơn, phủ kín thị trường nội địa và lan tỏa ra thương trường thế giới;

- Mở rộng khoa học phổ thông để nâng cao trình độ dân trí cả nước, chú ý những vùng sâu, vùng xa, ven biển, hải đảo và những lĩnh vực kinh tế là thế mạnh của quốc gia như: kinh tế biển, kinh tế nông nghiệp, kinh tế khai khoáng…

- Tập trung lực lượng khoa học – công nghệ để nghiên cứu giải quyết những vấn đề mang tính thời đại như: biến đổi khí hậu toàn cầu tác động mạnh mẽ đến VN, năng lượng thay thế, xử lý môi trường, điện hạt nhân, CNTT, công nghệ sinh học, công nghệ khai thác Đại dương (Ocean Engineering)… đều là những lĩnh vực khoa học - công nghệ mang tính cạnh tranh cao rất cần cho quốc gia ven biển như VN trong thời kỳ hội nhập.

VN có một đội ngũ khoa học công nghệ đông đúc (nếu không nói là hùng hậu trong các nước ASEAN) đủ đáp ứng yêu cầu đổi mới và xây dựng đất nước phát triển nhanh. Tuy nhiên, thời gian qua chúng ta không tạo ra được những bước nhảy vọt như một số quốc gia Đông Bắc Á khác là vì có nhiều nguyên nhân khách quan cũng như chủ quan. Nguyên nhân chủ quan dễ thấy nhất đó là chất lượng chưa cao, khiến cho niềm tin cũng như hoạt động thực tế của đội ngũ bị hạn chế rất lớn ngay tại trong nước mình cũng như trên thế giới. Đây là bất cập lớn cần được khắc phục sớm trong giai đoạn hội nhập toàn cầu.

“Cơ hội dân số vàng” diễn ra trong giai đoạn đất nước đang công nghiệp hóa và hiện đại hóa mạnh mẽ, đồng thời cũng ở thời điểm VN vừa bước ra khỏi ngưỡng cửa của những quốc gia có thu nhập thấp toàn cầu, nhằm hướng đến nước có công nghiệp tiên tiến vào năm 2020. Chúng ta cần “nội lực” lẫn “ngoại lực”. “Nội lực” là nguồn nhân lực hùng hậu có nghề nghiệp và kỹ năng cao, làm chủ được khoa học công nghệ hiện đại. “Ngoại lực” là sự chi viện và hợp tác quốc tế để hoàn thiện kết cấu hạ tầng về sản xuất và giao thông tốt hơn, cũng như ứng phó với Biến đổi khí hậu toàn cầu để xây dựng và phát triển một nền kinh tế hiệu quả, một xã hội công bằng, văn minh, bảo vệ, giữ gìn môi trường sinh thái trong sạch. Kỳ vọng “cơ hội dân số vàng” sẽ là điểm tựa vững chắc để phát huy sức mạnh tiềm năng của dân tộc VN.

Ngô Lực Tải


Address: 550 Crossroads, Binh Hoa Village, Thuan An District, Binh Duong Province
Tel: (+84) 0274-3766800, Fax: 0274-3766802, Email: contact@solog.vn