| Liên hệ |
Những vấn đề của logistics và xuất nhập khẩu (2014-04-09 14:56:12)

TÁC ĐỘNG CỦA WTO ĐẾN XUẤT NHẬP KHẨU VÀ LOGISTICS

Sau 6 năm VN gia nhập WTO, xuất khẩu của nước ta tăng trưởng khá cao với tốc độ bình quân đạt 19,5%/năm. Và liên tục tăng so với GDP, từ 65,2% lên 79%. Thị trường xuất khẩu trở nên đa dạng hơn với những đối tác mới như Trung Quốc, Hàn Quốc… Song song với tỷ lệ tăng trưởng trong xuất khẩu, luồng hàng hóa nhập khẩu vào VN cũng tăng khá nhanh với tốc độ tăng trung bình trong giai đoạn 2007-2012 là 18,9%. Có thể thấy trong thời gian qua, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đã đem lại những tác động không nhỏ đến nền kinh tế VN, quá trình này giúp các doanh nghiệp tiếp cận thị trường xuất nhập khẩu dễ dàng hơn, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng nhanh….

Bên cạnh những cơ hội cho VN, thách thức về khả năng cạnh tranh quốc tế cũng tồn tại song hành với cơ hội. Các doanh nghiệp Việt dễ dàng đứng trước nguy cơ phá sản và mất thị trường vào tay nước ngoài, ngoài ra tác động xấu về xã hội, suy thoái tài nguyên… cũng ảnh hưởng không nhỏ trong quá trình gia nhập WTO.

Thời gian gần đây, thị trường dịch vụ đang được nhà nước quan tâm chú trọng phát triển, trong đó đáng chú ý là thị trường dịch vụ logistics. Tuy còn nhiều bất cập về thể chế, quản lý, đầu tư cơ sở hạ tầng, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực cho ngành logistics, nhưng có thể nhìn thấy sự chuẩn bị của Chính phủ, các bộ ngành liên quan đã tạo được diện mạo mới cho ngành logistics VN. Chính phủ đã ban hành các quy định, chính sách tạo điều kiện thuận lợi thương mại cho các doanh nghiệp logistics trong nước hoạt động và phát triển ngành nghề như Nghị định 140/2007/NĐ-CP chi tiết Luật Thương mại 2005 về điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics, Nghị định 115/2007/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh dịch vụ vận tải biển, Nghị định 87/2009/NĐ-CP về vận tải đa phương thức… Kể từ năm 2009, hàng năm Chính phủ đều ban hành hàng loạt các quyết định về quy hoạch giao thông vận tải, cảng biển, đường sắt, đường thuỷ và hàng không… đến năm 2020 tầm nhìn 2030. Gần đây, Chính phủ liên tục đề cập đẩy nhanh xã hội hoá dịch vụ logistics, đầu tư kho hàng tại cảng biển lớn, các địa điểm thông quan, quy hoạch hệ thống logistics trên cả nước, nâng cao thị phần vận chuyển hàng hoá của các doanh nghiệp VN.

VẤN ĐỀ CỦA WTO

Vai trò và tác dụng của ngành logistics trong việc phát triển kinh tế đất nước trong thời kỳ tới đã được nhận thức đầy đủ và nhắc tới trong các chiến lược, mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trong từng thời kỳ kể từ khi gia nhập WTO. VN phải thực hiện theo các cam kết liên quan đến dịch vụ logistics trong từng lộ trình cụ thể. Vấn đề nổi bật trong cam kết gia nhập WTO liên quan đến dịch vụ hỗ trợ vận tải là sau 2014, theo cam kết của VN về tự do hóa logistcis, các công ty quốc tế có thể lập liên doanh với đối tác VN mà không bị hạn chế vốn của phía nước ngoài trong liên doanh hoặc có thể lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Tuy nhiên VN chỉ cam kết cho phép thành lập công ty 100% vốn nước ngoài đối với “dịch vụ vận tải hàng hóa, trừ nội địa “của phân ngành dịch vụ vận tải biển, và “dịch vụ bảo dưỡng và sửa chữa máy bay” của phân ngành dịch vụ hàng không. Đối với dịch vụ hỗ trợ mọi phương thức vận tải gồm “dịch vụ xếp dỡ container, trừ dịch vụ cung cấp tại các sân bay”. VN cam kết kể từ ngày gia nhập, chỉ cho phép các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài cung cấp dịch vụ thông qua liên doanh với đối tác VN trong đó tỷ lệ vốn góp của nước ngoài không quá 50%. Tuy nhiên cũng trong cam kết “kể từ ngày gia nhập cho phép thành lập kiên doanh trong đó tỷ lệ vốn nước ngoài không được vượt qua 51%. Sau 7 năm kể từ khi gia nhập sẽ bãi bỏ, tức là không hạn chế vốn”.

Như vậy là các hạn chế về tỷ lệ góp vốn của bên nước ngoài trong liên doanh sẽ được dỡ bỏ sau bốn năm, năm năm hay bảy năm… Điều này có nghĩa là các bên liên doanh được quyền thoả thuận về tỷ lệ góp vốn liên doanh, chứ không có nghĩa là bên nước ngoài được phép thành lập công ty có 100% vốn nước ngoài đối với các loại hình dịch vụ này. Đây là những vấn đề cũng là những hạn chế của cam kết đối với việc cung cấp dịch vụ logistics ở VN. Ngoài ra, đối với dịch vụ vận tải đường thuỷ nội địa, dịch vụ vận tải đường sắt, và dịch vụ vận tải đường bộ, VN chỉ cam kết “kể từ khi gia nhập các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài chỉ được phép cung cấp dịch vụ thông qua việc liên doanh đối với đối tác VN trong đó phần vốn góp của phía nước ngoài không vượt quá 49% tổng vốn pháp định”. Riêng dịch vụ vận tải đường bộ có cam kết thêm “sau 3 năm kể từ khi gia nhập, tùy theo nhu cầu thị trường, được phép thành lập liên doanh để cung cấp dịch vụ vận tải hàng hóa, trong đó tỷ lệ vốn góp của phía nước ngoài không vượt quá 51%”. Các cam kết này có nghĩa là các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài chưa được thành lập công ty có 100% vốn của mình.

Như vậy có thể thấy đến năm 2014, theo lộ trình cam kết WTO, các doanh nghiệp logistics nước ngoài vẫn chưa được chính thức kinh doanh tại VN mà không có bất kỳ sự hạn chế nào. Tuy nhiên, theo đúng lộ trình các cam kết của VN khi gia nhập WTO, lĩnh vực dịch vụ logistics chỉ còn thời gian rất ngắn để bước sang thời kỳ mở cửa hoàn toàn cho các doanh nghiệp nước ngoài.  

Mỹ Duyên


Address: 550 Crossroads, Binh Hoa Village, Thuan An District, Binh Duong Province
Tel: (+84) 0274-3766800, Fax: 0274-3766802, Email: contact@solog.vn