| Liên hệ |
Cỗ xe kinh tế Việt Nam còn ì ạch (2013-11-25 16:23:27)



















Trong gần hai năm qua, nhiều chỉ số kinh tế bước đầu ổn định nhưng dường như vẫn bị che phủ bởi nỗi lo tăng trưởng thấp, với những cảnh báo về một nền kinh tế chứa ẩn nhiều rủi ro, chưa mấy tươi sáng.

VÌ SAO TỤT DỐC?

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, nền kinh tế VN bị tụt dốc như hiện nay là bởi khủng hoảng kinh tế thế giới theo lời giải thích của Chính phủ là chưa thỏa đáng, bởi còn có nguyên nhân chủ quan do sai lầm trong điều hành. Dẫn chứng cụ thể được đưa ra minh họa là những lĩnh vực liên quan đến thế giới như xuất khẩu, đầu tư nước ngoài... đều là những điểm sáng của nền kinh tế VN. Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, TS. Cao Sỹ Kiêm còn cho rằng, việc điều hành của Chính phủ, càng vào thời điểm khó khăn, càng không kiểm soát được tình hình, khiến nền kinh tế rơi vào khó khăn sâu hơn.  Cùng với đó, cách giải quyết vẫn theo tư duy cũ, thậm chí có lúc quay về thời kỳ bao cấp là liên tục đưa ra các mệnh lệnh hành chính. Trưởng ban Kinh tế Trung ương, ông Vương Đình Huệ nhận định rằng không ít vấn đề lớn và yếu kém của nền kinh tế tồn tại từ nhiều năm, đến nay dưới tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới, đã bộc lộ ngày càng rõ.

Thực tế, gia nhập WTO cùng với nguồn tiền đầu tư nước ngoài liên tục đổ vào, đã khiến doanh nghiệp (DN) kỳ vọng quá lớn vào đà tăng trưởng và tỷ suất sinh lợi nên họ đã có những bước chuyển hướng mới trong kinh doanh. Đó là thay vì sản xuất kinh doanh và mở rộng qui mô, cải tiến sản xuất xuất, các DN lại đua nhau mua bán cổ phiếu, bất động sản để kiếm lời nhanh chóng, đẩy các thị trường này ‘sôi” lên liên tục mà không hề e sợ sự tuôn trào. Sự chuyển hướng đồng loạt của DN đã tạo ra nhu cầu đột biến về hàng hóa và nguồn nhân lực trong khu vực tài sản. Hậu quả là khu vực sản xuất trong nước trở nên kém cạnh tranh hơn.  Nghiêm trọng ở chỗ là sự bất hợp lý trong các chính sách vĩ mô trong thời gian qua đã làm cho căn bệnh này trở nên trầm trọng hơn. Đầu tiên phải kể đến sự bị động trong việc ứng phó với dòng vốn khổng lồ từ bên ngoài đổ vào VN trong năm 2007. Thời điểm đó, Ngân hàng Nhà nước dường như chỉ chú trọng tung tiền đồng ra để mua USD mà ít có các giải pháp trung hòa. Hậu quả là nền kinh tế bị thừa thải tiền đồng. Lạm phát bắt đầu phi mã từ cuối năm 2007 và chạm mốc gần 30% vào cuối quý 1.2008. Lúc này, lập tức việc thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát được ban ra. Tuy nhiên, chỉ được thực hiện trong một thời gian ngắn, vì bệnh thành tích về tăng trưởng, giải quyết việc làm, chính sách tiền tệ đã tiếp tục được nới lỏng và như thế lạm phát quay trở lại mạnh mẽ, đẩy nền kinh tế ngụy lặn trong khủng hoảng với nợ xấu và sự suy yếu của hệ thống ngân hàng thương mại.

 Nhận xét về tình hình này, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cho rằng, cỗ máy tăng trưởng của kinh tế VN có bốn động cơ, thì chỉ có một đang hoạt động. Bốn động cơ tăng trưởng được phân tích tại đây gồm: khu vực kinh tế nhà nước, khu vực DN tư nhân trong nước, nông nghiệp hộ gia đình - cá thể và khu vực DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Theo ông Thành, trong những năm 2001 - 2006, khu vực FDI và tư nhân trong nước bắt đầu phát triển mạnh, ngành nông nghiệp cũng hoạt động tốt. Khu vực DNNN không tăng trưởng mạnh, nhưng sự kém hiệu quả chưa dẫn tới đổ vỡ và cũng chỉ là một trong bốn động cơ tăng trưởng. Còn tình hình hiện nay, ông Thành đánh giá, cả khu vực DNNN, DN tư nhân và nông nghiệp đều trục trặc. Chỉ còn khu vực FDI là tiếp tục có kết quả tốt chủ yếu nhờ các DN FDI thuộc nhóm ngành thâm dụng lao động và không bị tác động nhiều bởi những khó khăn kinh tế nội địa và yếu kém của thể chế kinh tế VN.

KIÊN ĐỊNH VỚI MỤC TIÊU

 Kinh tế vĩ mô VN luôn trong tình trạng bất ổn suốt gần mưới năm qua, Sự mất cân đối nghiêm trọng giữa tiết kiệm và đầu tư bị dồn nén, đã đẩy nền kinh tế luôn thâm hụt cán cân thương mại, thâm hụt ngân sách nhà nước và nợ công tăng mạnh. Các chuyên gia cho rằng, thế giới vẫn rủi ro bất định mà theo ước tính là trong vài năm nữa, thậm chí là đến năm 2017. Do đó, vấn đề VN hiện nay là ổn định kinh tế vĩ mô thì phải kiên trì và nhất quán, cải cách thì phải quyết liệt và mạnh mẽ. Theo TS Nguyễn Xuân Thành thì có 3 lựa chọn để tái cấu trúc nền kinh tế. Cụ thể, Chính phủ sẽ có các gói chính sách tháo gỡ khó khăn cho DN và kích cầu; đặt trọng tâm của nỗ lực tái cơ cấu kinh tế vào ngân hàng; cải cách hệ thống ngân hàng và tạo môi trường thuận lợi cho khu vực tư nhân, đặc biệt là tái cơ cấu DNNN. TS Trần Du Lịch cho rằng, tái cơ cấu khu vực DNNN là nhân tố chủ đạo trong quá trình tái cơ cấu kinh tế. Để đạt được mục tiêu đề ra, thì không thể tái cơ cấu từng tập đoàn, tổng công ty riêng lẻ, mà phải thực hiện trên tổng thể các DNNN hiện nay.

 Bức tranh kinh tế vĩ mô ba quý đầu năm điểm sáng nhất là lạm phát được kiềm chế, xuất khẩu tăng, cán cân thương mại chỉ thâm hụt nhẹ, đã tạo điều kiện để ổn định tỷ giá. Một điểm sáng khác, là sự gia tăng của dòng vốn đầu tư của các công ty đa quốc gia hoạt động trong các lĩnh vực công nghệ mới đến từ Đông Á, với nhiều tiềm năng giúp VN tăng giá trị xuất khẩu, cải thiện chất lượng công nghệ và nhân lực, dần bước lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, góc tối của bức tranh kinh tế còn thể hiện khá rõ nét ở tốc độ tăng trưởng bị suy giảm. Đi cùng với tăng trưởng suy giảm là những khó khăn lớn khác mà VN đang phải đối mặt, đó là tồn kho, nợ xấu, DN tiếp tục chật vật khó khăn.. Trong tình thế lưỡng nan, nhiều giải pháp đang hướng tới việc khơi thông dòng vốn ngoại cho thị trường bất động sản, chứng khoán... ưu tiên khu vực các nước Đông Bắc Á. Chủ trương gia nhập hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) cuối năm nay rõ ràng là một cú huých mạnh được lựa chọn. Vấn đề là VN cần có sự chuẩn bị tốt để lợi ích thu được bảo đảm lớn hơn chi phí bỏ ra.

 Các chuyên gia cho rằng, để phục vụ mục tiêu kiềm chế lạm phát, Chính phủ đang cố nén giá cả, tỷ giá… Nhưng nếu nén quá, thì dễ dẫn đến áp lực trong tương lai. Cần sự linh hoạt nhất định trong việc thực hiện mục tiêu ổn định hiện giờ. Các chuyên gia còn cho rằng, cần duy trì tổng vốn đầu tư xã hội ở mức hợp lý và cần thiết để đảm bảo cho các DN có điều kiện tiêu thụ hàng hóa. Nếu quá tập trung kiểm soát lạm phát, ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, mà coi nhẹ duy trì tăng trưởng, đầu tư xã hội hợp lý thì DN sẽ suy kiệt hơn nữa và lâu dài sẽ mất cân đối kinh tế vĩ mô.

 Cuộc khủng hoảng vừa qua đã giúp VN nhận ra sự cần thiết về một cuộc cải cách, tái cơ cấu nền kinh tế. Tuy nhiên, hiện nay VN đang tiến hành giải quyết vấn đề này khá chậm chạp, nên cơ hội để thoát khỏi khủng hoảng, sớm hồi phục như các nước trong khu vực có nguy cơ bị tuột khỏi tầm tay.

Duy Khanh


Address: 550 Crossroads, Binh Hoa Village, Thuan An District, Binh Duong Province
Tel: (+84) 0274-3766800, Fax: 0274-3766802, Email: contact@solog.vn