| Liên hệ |
Cảng biển và phí - Những vấn đề của “Tariff cũ” (2014-05-21 23:31:39)

Trong số 75-76 Tạp chí Vietnam Logistics Review, tác giả đã trình bày khái quát về Tariff cảng biển VN từ sau 1975 đến nay. Qua nghiên cứu ‘’lịch sử” của Tariff cảng biển, tôi thấy có thể chia làm 3 giai đoạn: giai đoạn Tariff “cổ”, đặc trưng cho thời kỳ bao cấp, từ sau 1975 đến 1988; giai đoạn Tariff “cũ”, đặc trưng cho thời kỳ đầu “Đổi mới”, từ 1988 đến 2002, tháo gỡ cơ chế bao cấp; giai đoạn Tariff “mới”, đặc trưng cho thời kỳ buông lỏng quản lý Nhà nước về Tariff cảng biển, từ 2002 (khi Pháp lệnh Phí và lệ phí có hiệu lực) tới nay. Cả ba giai đoạn này sẽ được trình bày khái quát về nội dung, hình thức và nhận xét về Tariff cảng biển.

TARIFF “Cổ”

Đối tượng áp dụng là các DN cảng thuộc Bộ Giao thông vận tải quản lý. Các chủ phương tiện vận tải trong nước và các chủ hàng trong nước.

Đối với Tariff cổ, trọng tải phí tính theo đơn vị GT của tàu biển; Hoa tiêu phí tính theo GT/Km… mức thu tối thiểu 30 đồng/lượt; Hỗ trợ tàu biển tính theo GT của tàu và giờ tàu lai phục vụ. Mức thu tối thiểu 55 đồng/lượt. Buộc cởi dây, đóng mở hầm tàu, quét dọc hầm tính trên cơ sở GT được phân theo bậc 6000 GT; Ủy thác giao nhận hàng tính theo đồng/tấn; Sửa chữa bao bì, đóng gói hàng hóa tính theo đồng/tấn.

Về các loại giá của Tariff “cổ”, cước xếp, dỡ hàng hóa tính theo loại hàng, tấn hàng đồng/tấn. Hàng hóa được chia thành 12 nhóm, chẳng hạn: than cám, than cục, kim khí, lương thực... hàng cồng kềnh, hàng đặc biệt; Cước lưu kho, bãi tính theo loại hàng chia thành 4 nhóm. Mức cước tính theo thời gian lưu kho và trọng lượng (khối lượng) hàng hóa; Cước chuyển tải hàng hóa tính theo tấn/m3 hàng hóa chuyển tải; Giá đóng gói hàng hóa, giá thuê công nhân cảng, giá thuê thiết bị, phương tiện của cảng tính theo thời gian và loại phương tiện, thiết bị.

Bản Tariff “cổ” được cơ quan Nhà nước công bố trong từng thời kỳ, theo hình thức “Quyết định liên Bộ của Bộ GTVT và Ủy Ban vật giá Nhà nước (UBVG) về các loại cước, phí tại các cảng biển VN.

Đây là thời kỳ “kinh tế kế hoạch hóa” tập trung. Do giai đoạn đầu thống nhât đất nước nên bản “Tariff” chủ yếu quy định để thu từ chủ hàng, chủ tàu trong nước. Thời kỳ đó gần như kinh kế tư nhân không có, kinh tế tập thể rất mờ nhạt. Điều này thể hiện rõ trong “phạm vi áp dụng”chủ yếu tàu biển, hàng hóa trong nước. Nhà nước quy định cả “phí” và “giá”… không trên cơ sở thị trường quốc gia và quốc tế.

Hơn nữa khái niệm về “phí” và “giá” chưa rõ ràng. Mẫu “Tariff” này không phù hợp với mẫu “Triff” của ESCAP mà VN là thành viên từ 1955. Tariff “cổ” không quy định thu về “chi phí đầu tư  cảng: bến, cầu, luồng…, điều này là một trong những nguyên nhân góp phần làm cho ngân sách Nhà nước càng ngày càng khó khăn.

TARIFF “CŨ”

Đối tượng áp dụng cho tàu biển (thương mại) của các tổ chức trong và ngoài nước, hoạt động tại cảng biển VN; Áp dụng cho hàng hóa của chủ hàng trong và ngoài nước. Áp dụng cho các cảng biển VN.

Trọng tải phí tính theo GT của tàu biển; Phí bảo đảm an toàn hành hải: Tính theo GT, trên cơ sở phân vị trí cảng thành 3 khu vực: Khu vực 1, các cảng nằm từ vĩ tuyến 20 trở lên phía Bắc. Khu vực 2: các cảng từ vĩ tuyến 15,5 đến vĩ tuyến 20. Khu vực 3, các cảng nằm từ vĩ tuyến 15,5 vào phía Nam.

Phí thủ tục tính theo GT lượt tàu ra vào cảng. Giá hoa tiêu tính theo GT/hải lý; Giá buộc, cỡ dây tính theo GT và vị trí tại cầu cảng hay tại phao; Giá đóng mở hầm hàng tính theo loại tàu, loại hầm tàu; Giá quét dọn hầm hàng tính theo loại tàu, chở loại hàng độc hoặc bình thường;…

Tariff “cũ” được ban hành theo quyết định của UBVG Nhà nước, sau khi có đề nghị của Cục Hàng hải VN, trên cơ sở thực hiện thông tư liên Bộ GTVT và UBVG.

Đây là giai đoạn đất nước “Đổi mới”. Nhiều vấn đề về quản lý vẫn mang tính chất chỉ huy. Giá, phí, cước do Nhà nước quy định cứng. Khi các DN cảng có nhiều thành phần tham gia kinh doanh, các hình thức kinh doanh mới xuất hiện: container, logistics... Công cụ quản lý này gây khó khăn cho các DN hàng hải, thương mại… và cả quản lý Nhà nước về lĩnh vực kinh tế. Khái niệm phí, cước, giá… còn nhiều nội dung quản lý chưa rõ, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế.

Mẫu Tariff “cũ” về cơ bản đã phù hợp với mẫu Tariff do ESCAP hướng dẫn. Điều này cho phép có thể so sánh mức phí (giá) cao hay thấp với các cảng trong khu vực. Tuy nhiên, nội dung phí “Đảm bảo hành hải” mới xuất hiện và có tác động tốt tới tháo gỡ khó khăn cho DN hoạt động trong lĩnh vực này nhưng là nhân tố làm tăng cao trong phí cảng biển VN.

Tariff “cũ” đã hình thành giá cho thuê cầu, bến... là nhân tố rất quan trọng tạo ra nguồn thu để có thể kêu gọi mọi thành phần kinh tế đầu tư vào cảng biển theo quy định của Luật Hàng hải 2005.

Trên đây là những nét khái quát về nội dung, hình thức quản lý “Tariff” cảng biển, trong các thời “Bao cấp” và thời đầu” Đổi mới”. Sau khi có Pháp lệnh Phí, lệ phí (2001) và Luật giá 2012… Tariff cảng biển đã có những thay đổi theo hướng thị trường… Tuy nhiên, về quản lý Nhà nước đang có nhiều vấn đề cần trao đổi thêm. Đây là vấn đề lớn và phức tạp sẽ được trình bày trong số báo tiếp theo với tên gọi: Tariff “mới” của cảng biển VN.

TS. Chu Quang Thứ


Address: 550 Crossroads, Binh Hoa Village, Thuan An District, Binh Duong Province
Tel: (+84) 0274-3766800, Fax: 0274-3766802, Email: contact@solog.vn