| Liên hệ |
Phát triển logistics theo hướng “bền vững hóa” (2014-06-22 22:51:22)

“PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG”

 

Phát triển bền vững (Sustainable Development) là cụm từ mà chúng ta thường đọc trên các mặt báo. Về ngôn ngữ nó chỉ là cụm từ thông thường, làm giàu kiến thức cho đọc giả trong thời đại bùng nổ thông tin. Nhưng ở góc độ khoa học và kinh tế lại có ý nghĩa to lớn bởi sự gắn kết với “Bền vững hóa – Sustainability”, là làn sóng thứ tư trong những cuộc Cách mạng kinh tế diễn ra 3 thế kỷ qua trên địa cầu: Thứ nhất là công nghiệp hóa (thế kỷ 18 và 19); Thứ hai là toàn cầu hóa (đầu thế kỷ 20); Thứ ba là số hóa hay còn gọi là kỹ thuật số (cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21); Thứ tư là bền vững hóa hay có thể gọi là phát triển bền vững, sẽ xảy ra ồ ạt trong nửa sau của thế kỷ 21 này. Nó được kế thừa, phát triển trên những thành quả và cơ chế của cách mạng công nghiệp hóa, tăng thêm chiều rộng lẫn chiều sâu bằng quá trình toàn cầu hóa và nâng cao hiệu quả bằng cuộc cách mạng số hóa để đạt đỉnh cao về khoa học - công nghệ của nền kinh tế tri thức trong tương lai không xa.

Như vậy, “phát triển bền vững” được hiểu là một sự phát triển toàn diện, mang tính lâu dài mà nhiều quốc gia đang hướng đến, trong đó lấy kinh tế tri thức làm nền tảng. Cần lưu ý, khi bước vào giai đoạn “phát triển bền vững” thì nền kinh tế của các quốc gia đã hoàn thiện chuyển dịch cơ cấu từ nền sản xuất kinh tế công nghiệp sang nền kinh tế công nghiệp tri thức và dịch vụ (sản phẩm của họ đã được toàn cầu hóa).

Hiện nay, VN đang ở giai đoạn công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Dự kiến năm 2020 đất nước mới hoàn thành về cơ bản công nghiệp hóa. Riêng lĩnh vực logistics, bài viết nêu một số gợi ý mang tính tham khảo để bạn đọc tiện bề tư duy.

LOGISTICS HƯỚNG ĐẾN “PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG”

Logistics VN đang ở ngưỡng cửa phát triển theo tiến trình của quốc gia với nền kinh tế thế giới. Điều quan trọng cần xác định ở đây là chúng ta đang tụt hậu so với các nước láng giềng trong khu vực ASEAN.

Năm 2012, WB xếp VN đứng thứ hạng 53/155 (LIP) toàn cầu và thứ 6 của ASEAN. Tuy nhiên với hơn 1.000 đơn vị sản xuất kinh doanh logistics, chúng ta mới chỉ thu nhập 2-4% GDP và chưa có DN logistics VN nào thực hiện trọn vẹn 3PL, sản xuất kinh doanh vẫn còn lệ thuộc vào thiên hạ, kết nối với thế giới rất hạn chế, chủ yếu là làm thuê, làm công cho các hãng tàu lớn nước ngoài và những công ty logistics đa quốc gia ngay trên sân nhà chứ chưa nói đến thị trường quốc tế. Nên vấn đề đặt ra là phải rút ngắn khoảng cách với khu vực và thế giới bằng sự chuẩn bị chu đáo những tiền đề cần thiết để logistics VN “phát triển bền vững”.

1, Công tác chuẩn bị mang tính quyết định đó là tạo được nguồn nhân lực từ cấp nghiên cứu chính sách (các trường đại học, viện nghiên cứu quốc gia), cấp hoạch định chiến lược (Chính phủ, các Bộ, Cục, Vụ) cho đến người thực thi (Lãnh đạo và cán bộ, công nhân viên xí nghiệp) có đầy đủ kiến thức và năng lực để đáp ứng nhu cầu phát triển hiện tại và trong tương lai. Đương nhiên, việc này sẽ liên quan đến quốc gia, toàn xã hội và cả chiến lược phát triển con người trong thời đại ngày nay (được NQTW Đảng thể hiện).

2, Hiệu quả hoạt động của logistics quyết định phần lớn bởi kết cấu hạ tầng giao thông. Nhưng kết cấu hạ tầng nước ta vừa yếu và thiếu nên không đủ sức tạo điều kiện cho logistics vươn lên. Tuy chúng ta đã đáp ứng phần nào trong thời gian qua, nhưng vẫn còn thiếu nhiều cho một nền logistics hiện đại. Do đó, việc cải thiện và xây mới kết cấu hạ tầng, trong đó bao gồm phát triển cảng biển nước sâu, xây dựng bến bãi, trung tâm logistics, ICD cũng như hệ thống cầu đường, sân bay, hệ thống cảng sông và hệ thống đường thuỷ nội địa trở nên cấp thiết, để nối kết với hệ thống giao thông và các cảng biển khu vực và thế giới, phát huy tác dụng của đa phương thức vận tải thì mới thúc đẩy logistics VN phát triển nhanh và mạnh.

3, Rà soát lại luật lệ và pháp quy trong nước liên quan đến logistics và container, cái nào trở thành vật cản cho việc thực hiện hai lĩnh vực này thì xin điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung, thậm chí đề xuất ban hành luật mới, phù hợp với luật pháp và tạp quán quốc tế hiện hành, nhằm làm cho hành lang pháp lý về logistics thông thoáng hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho logistics phát triển theo hướng bền vững.

4, Mở rộng quan hệ hợp tác về kinh tế, khoa học - công nghệ với các nước trên thế giới, với những tập đoàn, công ty đa quốc gia đang hoạt động logistics ở VN để tranh thủ nguồn vốn đầu tư, liên doanh liên kết vào hạ tầng logistics (nhà máy sản xuất container, trung tâm logistics, ICD, kho tàng bến bãi, khu thương mại tự do, nhất là màng lưới, công nghệ và phương tiện máy móc thông tin hiện đại…).

PHÁT TRIỂN LOGISTICS VIỆT NAM THEO ĐỊNH HƯỚNG “BỀN VỮNG HÓA”

Logistics là một ngành kinh tế - kỹ thuật non trẻ mang tính tổng hợp cao được du nhập vào VN trong thời kỳ đổi mới, mở cửa hội nhập quốc tế. Đương nhiên, không thể tránh khỏi những tồn tại, bất cập được nêu ở phần trên. Đây là những trở ngại lớn ảnh hưởng đến tiến trình phát triển chung của ngành này. Nhưng yếu tố quan trọng hơn có tính chi phối đó là tầm nhìn hạn hẹp của một số cơ quan tầm vĩ mô, người thực hiện và một bộ phận không nhỏ xã hội đương thời, dẫn đến sự chậm trễ, thiếu đồng bộ trong quyết sách chiến lược đối với sự nghiệp phát triển logistics VN.

Nếu những vấn đề nêu trên sớm được khắc phục và tồn tại chủ quan dần được hóa giải trong quá trình toàn cầu hóa logistics. Chúng ta hy vọng logistics VN sẽ phát triển bền vững tương xứng với nền kinh tế quốc dân trên đà tăng trưởng sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

“Xã hội học tập” “xã hội thông tin” được định hình trong nền kinh tế tri thức sau 2050, chừng ấy những ngành sản xuất kinh doanh VN sẽ phát triển bền vững, chứ không nói theo hướng “bền vững” như bây giờ. Từ “Sustainability” hay cụm từ “Sustainable Development” sẽ là tiêu chí logistics tương lai.

                                                                                 

Phúc Thuần


Address: 550 Crossroads, Binh Hoa Village, Thuan An District, Binh Duong Province
Tel: (+84) 0274-3766800, Fax: 0274-3766802, Email: contact@solog.vn